Euro 2016 – Euro của những canh bạc phút chót

Thứ Hai, 20/06/2016 12:04  | Sa Mộc

|

(CAO) Euro năm nay, những tưởng, với sự xuất hiện của nhiều đội bóng nhược tiểu như: Bắc Ailen, Albani, Thụy Sỹ, xứ Wale,… mưa bàn thắng sẽ trút xuống cầu trường khi các ông lớn gặp họ. Nhưng, mọi chuyện diễn ra tại nước Pháp đang đi với kịch bản ngược lại.

Nhiều đội bóng có máu mặt ở châu Âu và cả thế giới như: Pháp, Anh, Thụy Điển, Bồ Đào Nha,… không những chẳng ăn tươi nước sống được họ, mà còn nhiều lần bị “cắn ngược”, suýt thua.

Đức và rất nhiều đội bóng lớn đang có một Euro cực kỳ khó khăn - Ảnh: Daily Mail

Để ghi được bàn thắng vào lưới đối thủ ở Euro lần này, ai cũng phải cố gắng đến… hộc máu. Chưa bao giờ, người ta lại thấy trình độ của bóng đá châu Âu lại xích gần với nhau đến vậy. Cũng chưa bao giờ, người ta được chứng kiến sự thoái trào một cách đồng loạt của các đội tuyển mạnh.

Chúng ta có thể so sánh một chút để thấy Euro năm nay khó khăn với các “đại gia” đến như thế nào.

Euro 2008, ở lượt trận đầu tiên, tất cả các trận cầu đều được quyết định từ rất sớm, muộn nhất là ở phút 71 trong trận khai mạc lúc CH Czech thắng Thụy Điển 1-0. Và, chỉ sau vòng loại, những ứng cử viên vô địch đã lộ diện với sức mạnh vượt trội là Tây Ban Nha, Đức. Đức nhẹ nhàng vượt qua Ba Lan 2-0, còn Tây Ban Nha đại thắng Nga 4-1.

Euro 2014, mọi thứ không còn suôn sẻ như cách đó 4 năm, song cũng không đến nỗi quá khó khăn. Trong 8 trận đấu đầu tiên, rất hiếm bàn thắng ghi được sau phút 80 và cũng chẳng có đội nào có thể thay đổi được số phận của mình sau phút 80. Để hạ Hà Lan 0-1, Đan Mạch cũng chỉ cần 24 phút.

Bàn thắng ở phút thứ 87 của Pique đã giúp Tây Ban Nha “sống lại” - Ảnh: Radio.cz

Euro 2016, mọi chuyện đang dần trở nên cực kỳ khó khăn với tất cả, dù đó là đương kim vô địch Tây Ban Nha, á quân Ý hay Đức hùng mạnh. Có 7/20 bàn thắng được các cầu thủ ghi sau phút 80 và có 4/16 trận đấu đã thay đổi hoàn toàn cục diện trong những phút cuối trận.

Pháp vượt qua Romania 2-1 ở phút 89, nhờ cú vô lê của Payet; xứ Wales giành trọn vọn 3 điểm trước Slovakia nhờ pha lập công của Robson-Kanu phút 81; Nga can trường gỡ hòa Anh 1-1 phút 90+2 và Tây Ban Nha chút nữa đã “lật thuyền trong mương” nếu không có bàn thắng muộn đến từ Pique phút 87.

Không có bất cứ đội bóng nào ghi được 3 bàn thắng. Có 3 đội thắng với tỉ số cách biệt 2 bàn và điều đặc biệt khi cả 3 bàn thắng nâng tỉ số lên 2-0 đều được thực hiện sau phút 80: Schweinsteiger (Đức) dập tắt sự phản khán của Ukraine phút 90+2, Pelle (Ý) làm điều tương tự với tuyển Bỉ phút 90+3, còn Stieber (Hungary) khiến Áo hết hy vọng phút 87. Và, không chỉ lượt trận đầu tiên, lượt trận thứ hai cũng thế: các CĐV của nhiều đội bóng lớn tiếp tục đứng ngồi không yên cho đến gần hết trận.

Hai pha lập công ấn định chiến thắng cho tuyển Pháp của Payet đều ghi ở những phút bù giờ - Ảnh: Express

Chủ nhà Pháp tiếp tục “luyện tim” cho các CĐV, bởi phải tới phút cuối cùng chính thức của trận đấu, họ mới chịu ghi bàn đầu tiên vào lưới Albania, rồi Payet ghi bàn ấn định chiến thắng 2-0 phút 90+6.

Không chịu thua chị kém em, Anh cũng có màn lội ngược dòng thần kỳ trước xứ Wale, Sturridge đã mang về chiến thắng đầu tiên cho “Tam sư” với cú bấm bóng nhẹ nhàng tại phút 90+2. Thảm hơn là Đức, “Cổ xe tăng” đã không thể tìm được cách xuyên thủng được hàng phòng ngự rắn chắc của tuyển Ba Lan, đành chấp nhận cầm hòa 0-0.

Cho tới thời điểm này của giải đấu, chưa có bất cứ đội bóng nào ghi trên 2 bàn thắng, cũng không có đội bóng nào thật sự gây ấn tượng mạnh mẽ với người hâm mộ. Chưa bao giờ, việc dự đoán đội vô địch lại khó như ở Euro lần này.

Ai cũng có vấn đề của riêng mình và chẳng ai thật sự nổi trội, tạo được sự tin tưởng lớn trong lòng các CĐV. Anh vẫn cứ chệch choạc như thế; Đức chỉ là “con hổ giấy”, nhân tài của Tây Ban Nha ngày càng “mòn”, còn Bồ Đào Nha đang già nua như số tuổi của Ronaldo.

Nhìn những tiền đạo “cùi bắp” tại Euro 2016, người ta đang thật sự nhớ Villa của Euro 2008 - Ảnh: Whoateallthepies

Có rất nhiều nguyên nhân khiến Euro 2016 trở thành giải đấu khó đến… hộc máu với nhiều “ông kẹ”. Đó là vì sự nhiệt tình của các đội lần đầu đi dự Euro: chẳng hạn như hàng thủ của xứ Wales, Ireland, Albania,… luôn phòng ngự với phong cách lăn xả, liều mình như thể lúc nào cũng là trận đấu cuối.

Mặt khác, sự thiếu vắng những chân sút đẳng cấp, bởi phóng mắt khắp Euro, chúng ta cũng không thể tìm thấy bất cứ chân sút nào có đẳng cấp tương đương David Villa, Thierry Henry hay Ruud Van Nistelrooy như các kỳ Euro trước.

Đã vậy các tiền đạo hạng 2 đang có mặt cũng xuống phong độ: Zlatan Ibrahimovic chưa ghi bàn nào, Morata như gà mắc tóc trong vòng cấm địa, còn Griezmann có nhiệt tình nhưng thiếu sự lạnh lùng cần có một “sát thủ”.

Đặc biệt Euro lần này còn chứng kiến việc không có nhiều cách tân trong chiến thuật, các đội hiểu nhau quá rõ nên gần như không có tình huống đột phá, hay xuất hiện được một trận cầu kih điển đủ làm nức lòng người hâm mộ. Hy vọng những trận đấu sắp tới sẽ xuất hiện một vì sao lạc, có thể thay đổi toàn bộ cục diện chung.

Bình luận (0)

Thống kê
Lên đầu trang