Thánh đã về trời!

Chủ Nhật, 27/03/2016 10:14  | Sa Mộc

|

(CAO) Không phải người Hà Lan, mà dân xứ Catalan mới là kẻ sốc nhất sau khi nghe tin Johan Cruyff qua đời. Thế là, giờ đây họ không còn được bảo trợ bởi “vị thánh” đến từ “vùng đất thấp” nữa nữa! Điểm tựa vững chãi nhất  Barcelona đã sụp đổ! Có phải kỷ nguyên thành công nhờ tiki-taka của Barca cũng sẽ chấm dứt với sự ra đi của người đã sinh ra nó?

Cruyff là người Hà Lan, ông sinh năm 1947 tại Amsterdam, nhưng chính một thứ vô cùng khó dò là duyên nợ đã đưa ông đến xứ Catalan và trở nên bất tử ở đó. Thật ra, hành trình từ Ajax Amsterdam đến Barcelona của Cruyff không hề dễ dàng. Hè 1973, không phải Barca, Real mới là người tới trước.

Cruyff đã qua đời vì ung thư vào ngày 24-3

Nhưng, ngôi sao 26 tuổi mặc kệ, anh hoàn toàn phớt lờ Real để chọn Barca, ông chia sẻ với Marca năm 2013: “Madrid muốn ký hợp đồng với tôi, Ajax cũng muốn đưa tôi đến Bernabeu, tại thời điểm đó, Real là CLB lớn hơn Barcelona. Tuy nhiên, tôi chỉ muốn đến Barca vì HLV đầu tiên của tôi là Buckingham ở đó. Ông ấy là một người bạn lớn của tôi”.

Ngoài ra, Rinus Michels, HLV khi đó của Barca, từng huấn luyện Ajax và Cruyff từ năm 1965 đến 1971. Vic Buckingham và Rinus Michels là những người đầu tiên gieo vào đầu Cruyff cái gọi là Total Football (Bóng đá tổng lực), tiền thân của tiki-taka sau này. Dù thế, phải tới vòng đấu thứ 8 La Liga, Cruyff mới có cơ hội ra sân do trục trặc vấn đề về pháp lý trong quá trình chuyển nhượng.

Cruyff đặt bút ký hợp đồng với Barca năm 1973

Trong 5 năm phục vụ CLB xứ Catalan, thứ mà ông mang lại cho đội không phải là 1 chức vô địch La Liga và 1 cúp Nhà vua, mà là tinh thần chiến đấu hết mình và sự tự tin cao độ vào bản thân. Nhà báo kỳ cựu Jimmy Burns nhận xét: “Với Cruyff, có cảm giác, đội bóng sẽ không bao giờ thua”.

Trong chiến thắng 5-0 trước Real Madrid ngay trên Bernabeu, đó là chiến thắng đầu tiên của đội trước đại kình địch kể từ năm 1960, Cruyff đã bất chấp những căng thẳng chính trị bao trùm trên sân, chiến đấu vì màu cờ sắc áo của Barca còn hăng máu hơn bất cứ đứa con nào của xứ Catalan.

Trước khi quyết định sang Mỹ dưỡng già năm 1979, ông đã khuyên chủ tịch Barca khi đó – Josep Nunez thành lập học viện bóng đá La Masia: không chỉ thu nhận tài năng ở xứ Catalan mà còn khắp nơi trên thế giới, theo đúng mô hình của Học viện bóng đá Ajax. Dường như Cruyff đã dự cảm là mình cần một học viện như thế trong tương lai.

Nếu không có Cruyff, chưa chắc Barca đã có Messi và Pique như bây giờ

9 năm sau, năm 1988, Cruyff quay lại xứ Catalan, nhưng lần này là dưới cương vị của một HLV chứ không phải cầu thủ ngôi sao. Với bản tính mạnh mẽ của mình, ông không muốn có bất cứ sự nửa vời nào. Thế là, mặc kệ sự phản đối của chủ tịch, ông quyết tâm thay đổi toàn diện bộ mặt của đội, từ trung tâm đào tạo trẻ, nhân sự, lối chơi cho đến triết lý bóng đá của đội.

Đầu tiên, ông kiện toàn lại bộ máy của La Masia, đề ra chế độ tập luyện nghiêm khắc đi kèm với chương trình học văn hóa tương ứng cho các đội trẻ. Triết lý “Total Football” hay tiki-taka sẽ được đưa vào thành giáo trình để các em tập xuyên suốt từ khi vào trường cho đến khi được lên đội một hoặc “xuất chuồng” sang CLB khác. La Masia đề cao đầu óc chứ không phải thể hình. Theo ông, tiêu chuẩn cầu thủ phải cao trên 1,8m của La Masia khi đó, quả thật hết sức ấu trĩ.

Barca trong những năm cuối thập kỷ 80 thực sự sôi nổi bởi sự xuất hiện của “nhà truyền giáo” Cruyff. Ông đi khắp nơi để nói về thứ gọi là “Total Football”, nôm na là bóng đá tổng lực; thứ bóng đá đề cao mặt trận tấn công, mở rộng không gian chơi bóng của bản thân và thu hẹp không gian của đối thủ.

Dream Team của Cruyff

Cách phòng thủ tốt nhất là tấn công. Cầu thủ ra sân vì đam mê của bản thân, tận hiến vì khán giả. Trong 8 năm cầm quân, Cruyff đã giúp CLB thu hút một lượng fan khổng lồ nhờ lối chơi quyến rũ, đầy tính cống hiến mà các học trò của ông đã thể hiện dựa trên triết lý bóng đá tổng lực mà ông truyền đạt.

Cruyff còn là người nhào nặn nên Dream Team đầu tiên của Barca. Trong năm đầu tiên đến Nou Camp, ông bán đi tới 15 cầu thủ và mang về rất nhiều gương mặt mới, chưa nổi tiếng nhưng phù hợp với triết lý bóng đá mà ông sẽ xây dựng sau này.

Với Pep Guardiola, Jose Bakero, Txiki Begiristain, Ion Goikoetxea, Ronald Koeman, Michael Laudrup, Romario, Gheorghe Hagi và Hristo Stoichkov; CLB xứ Catalan đã có 4 chức vô địch La Liga từ 1991 đến 1994, ngoài ra còn 1 Cúp nhà vua, 1 European Cup, 1 Siêu cúp châu Âu, Á quân Champions League. Trong 8 năm cầm quân, Cruyff giúp Barca giành 11 chiếc cúp lớn nhỏ, nhiều nhất trong lịch sử CLB và chỉ bị đánh bại bởi học trò Pep Guardiola sau này (15 cúp).

Cruyff chính là người thuyết phục Joan Laporta bổ nhiệm một Guardiola non trẻ ngồi lên chiếc ghế HLV trưởng năm 2008

Sau khi bị Chủ tịch Nunez sa thải năm 1996, Cruyff vẫn tiếp tục có ảnh hưởng vô cùng to lớn với CLB Barcelona. Chính ông đã thuyết phục các đời chủ tịch của Barca thuê Frank Rijkaard và Pep Guardiola làm HLV trưởng, để tạo ra thời đại hoàng kim của CLB từ năm 2003 và vẫn chưa chịu tắt cho tới thời điểm này.

Có thể nói, khối lượng công việc mà Cruyff làm ở Barca trong 8 năm bằng người ta làm cả đời. Việc ông phải hút tới 20 điếu thuốc trong 1 ngày đã nói lên điều đó. Và, những di sản mà ông để lại cho Barca sau 8 năm cống hiến cũng đủ để CLB thụ hưởng trong vài trăm năm.

Qua những học trò như Pep Guardiola, Ronald Koeman, Michael Laudrup và thành công của Barca, triết lý bóng đá tấn công dồn dập tận hiến của Cruyff đã được truyền bá ra khắp thế giới. Thế nên, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi người Catalan quyết định phong thánh cho Cruyff ngay khi ông còn đang sống.

Giờ, thánh đã về trời, nhưng những di sản mà ông để lại vẫn sẽ còn mãi mãi!

Bình luận (0)

Thống kê
Lên đầu trang