(CAO) Có thể nói, Ngoại hạng Anh là một trong những tổ chức thể thao ăn nên làm ra nhất thế giới trong những năm gần đây. Từ một giải đấu tầm tầm, bằng nhiều phương án cải tổ khác nhau, họ đã vượt qua La Liga, Bundesliga, Ligue 1… trở thành giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh. Là miền đất hứa cho những cầu thủ và HLV tài năng trên khắp nơi.
Tuy nhiên, như ông bà ta hay nói, chẳng có chuyện gì xấu hoàn toàn hay tốt hoàn toàn. Premier League thành công bao nhiêu thì đội tuyển Anh thất bát bất nhiêu. Người Anh vẫn đang loay hoay tìm cách khắc phục mặt trái của thành công, song vẫn chưa tìm ra được cách thức nào khả dĩ.
Đội tuyển Anh đang không có bất cứ tài năng lớn nào
Mọi chuyện có lẽ bắt đầu từ việc người Anh nới lỏng luật, cho phép các nhà đầu tư giàu có trên khắp thế giới đến mua lại các CLB. Chelsea rơi vào tay người Nga. Manchester City thuộc sở hữu của người Ả Rập. Manchester United và Liverpool chạy vào túi người Mỹ. Trong các ông lớn, chỉ mỗi Arsenal là của người Anh. Bây giờ, các CLB bóng đá không còn đơn thuần là một là niềm đam mê, là sở thích mà biến thành một công việc kinh doanh, cần có lợi nhuận, đồng thời nó phải là lợi nhuận lớn và tức thì.
Mà muốn thành công ngay lập tức, chẳng có cách nào khác phải vung tiền mua nhân tài. Thế là, các tài năng bóng đá từ sân cỏ đến băng ghế huấn luyện từ khắp nơi trên thế giới ùn ùn kéo đến xứ sở sương mù.
Ví dụ, sau khi tập đoàn Abu Dhabi United đến tiếp quản Manchester City năm 2008, họ mang về nào Robinho, Gareth Barry, Santa Cruz, Kolo Toure, Carlos Tevez,… HLV người Anh Mark Hughes được thay bằng người Ý – Roberto Mancini. Thậm chí, họ còn mời bộ 3 người Tây Ban Nha của Barcelona là Ferran Soriano – Rodolfo Borrell – Txiki Begiristain ngồi vào Ban lãnh đạo.
Năm 2008, Manchester City lọt vào tay người Ả Rập
Việc đào tạo các cầu thủ trẻ không còn được coi trọng như trước đây. Còn nhỡ như tài năng trẻ người Anh nào có vào được học viện của các CLB lớn, cũng phải cạnh tranh sứt đầu mẻ trán với các bạn đồng lứa được mang về từ khắp 5 châu. Mà bản năng sinh tồn của những đứa trẻ được sống trong môi trường tốt như nước Anh làm sao bằng những đứa đến từ châu Phi nghèo khó hay châu Mỹ đầy tính cạnh tranh?
Với những đứa trẻ vứt bỏ quê hương và gia đình để du học ở các CLB ở Premier League, thì trở thành ngôi sao bóng đá dường như là con đường duy nhất. Ngược lại, những đứa trẻ bản địa có rất nhiều sự lựa chọn khác, ngoài bóng đá.
Chưa nói, với một CLB có cơ cấu hoàn toàn ngoại lai như Manchester City, họ không có trách nhiệm và nghĩa vụ phải nuôi dưỡng và đào tạo cầu thủ giỏi cho nước Anh. Nước Anh chỉ đơn giản là nơi để họ kinh doanh, làm việc, ngoài chuyện phải đóng thuế, họ không cần phải làm gì khác.
Việc cạnh tranh ở các Học viện bóng đá của các CLB lớn ngày càng khốc liệt
Thay vì phí tâm lực để phát hiện vào đào tạo những cầu thủ trẻ bản địa, chi bằng Manuel Pellegrini lấy thời gian đó để nghỉ ngơi, tập trung cho đội 1. Bởi, với những nhiệm kỳ ngắn ngày, nếu sau này những mầm non đó trưởng thành, Pellegrini cũng chẳng có cơ hội để hưởng dụng. Mà “Man xanh” cũng chẳng trả lương thêm cho ông nếu mài được “ngọc thô” thành “trang sức” lấp lánh.
Chính hai nguyên nhân cơ bản trên đã khiến nước Anh không có thêm bất cứ tài năng bóng đá kiệt xuất nào trong vài năm gần đây, sau khi lứa Steven Gerrard, David Beckham, Terry, Ashley Cole, Rio Ferdinand,…về vườn. Ngược lại, Premier League còn trở thành nơi cung cấp ngôi sao chính cho các đội tuyển đối thủ. Hà Lan có 8 tuyển thủ đang thi đấu ở Anh, Pháp có 10, Tây Ban Nha có 6, Bỉ có 7,…
Nhìn vào danh sách lên tuyển của đội tuyển Anh đợt này thật buồn. Họ không có bất cứ cái tên nào đạt đẳng cấp thế giới. Không có cái tên nào đủ sức gây đột biến hoặc quyết định trận đấu. Những cái tên quen thuộc như: Theo Walcott, Daniel Sturridge, Chris Smalling,… vẫn đang vật vã tìm chỗ đứng ở cấp CLB.
Sturridge đang vật vã tìm chỗ đứng tại Liverpool
Trụ cột của đội tuyển Anh lúc này không còn là các ngôi sao thuộc biên chế tứ “đại gia” là Liverpool, Manchester United, Chelsea và Arsenal nữa mà là những cầu thủ trẻ vô danh từ Tottenham, Everton và Leicester City.
Đúng là Leicester và Tottenham đang cho các ông lớn ngửi khói ở Premier League, nhưng không phải bản thân họ đã vươn lên tầm thượng hạng mà chỉ bởi các “đại gia” của Anh đang ở trong thời kỳ “đau ốm”. Trong khi, những đối thủ của chính của người Anh như Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Hà Lan, Ý,… vẫn đang vô cùng khỏe mạnh.
Không phải cái gì lấp lánh cũng là vàng. Nhưng những cái gì không lấp lánh thì chắc chắn không phải vàng! Chẳng biết với đội hình tầm thường đó, HLV Roy Hodgson sẽ làm được gì ở Euro 2016.
Sa Mộc