“Ai cũng hiểu chỉ Miura không hiểu”
Kể từ khi HLV Miura đến Việt Nam, người hâm mộ kỳ vọng ông sẽ đưa bóng đá Việt Nam gặt hái được nhiều trái ngọt. Nhưng sau hơn 1 năm, ông đã “nhào nặn” đội tuyển U 23 Việt Nam thì hình ảnh của người hâm mộ nhận được chỉ là những trận bóng băm bổ, bạo lực, khô cứng trên sân cỏ.
Khi người hâm mộ càng dâng tràn cảm xúc trước những lối đá bóng hoa mỹ, đẳng cấp của các cầu thủ học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai và muốn nó được thể hiện, cống hiến trong các giải bóng chính thức của khu vực và châu lục thì ông Miura lại không thích thế. Tức là người hâm mộ đang thích cái mà ông Miura không thích, ông Miura lại thích cái mà mọi người đã phát ngán.
Hãy thử cùng mổ xẻ vấn đề của Miura trên báo CATP và của các chuyên gia để thấy rằng VFF nên để ông Miura dứt áo ra đi:
|
Đội tuyển U23, dưới bàn tay dẫn dắt của HLV Toshiya Miura đã hoàn thành các mục tiêu do VFF đề ra trong năm 2015 bao gồm việc vượt qua vòng loại giải U23 châu Á 2016 và lọt vào bán kết SEA Games 28.
Nhưng cũng như phong độ thất thường của đội tuyển Việt Nam, khi người hâm mộ hy vọng và kỳ vọng nhất thì những gì HLV Miura làm vẫn chưa thỏa mãn được, thậm chí là phải thất vọng.
Chẳng hạn, chúng ta có những trận thắng thuyết phục như chiến thắng 2-1 trên sân của các cầu thủ U23 Malaysia tại Vòng loại U23 châu Á hay chiến thắng 5-0 ở trận tranh HCĐ SEA Games 28 trước các cầu thủ Indonesia.
Lúc người hâm mộ kỳ vọng nhất thì lại phải nhận những thất bại cay đắng
Nhưng lại có thất bại bẽ bàng và cũng là lúc người hâm mộ kỳ vọng nhiều nhất như trận thua đầy cay đắng trước U23 Myanmar ở vòng bán kết trong bối cảnh nhiều kì vọng thầy trò HLV Miura sẽ chiến thắng để tiến vào chung kết. Với ĐTQG, HLV Miura cũng có được những đợt thăng trầm tương tự.
Dưới triều đại của HLV Miura, tính đến ngày 13-10, thành tích của đội tuyển Việt Nam trong tất cả các mặt trận là 7 trận thua, 2 trận hòa, 13 trận thắng.
HLV Miura đặt mục tiêu quá xa vời?
Ông Miura từng cho biết: “Người hâm mộ Việt Nam thường quan tâm hơn tới những giải đấu vừa tầm trong khu vực như AFF Cup và Sea Games thay vì các giải đấu của châu lục. Thắng hoặc hòa các đội hàng đầu châu lục mới là cách để Việt Nam nâng tầm của mình trên bản đồ bóng đá thế giới, bởi các giải AFF Cup và SEA Games chỉ được tính như các trận giao hữu trên hệ thống của FIFA. Thời gian tới, tôi muốn tìm thêm những ý tưởng để thay đổi lối chơi của tuyển Việt Nam”.
Ý định của ông Miura là rất rõ ràng, ông muốn hướng Việt Nam tiến cao và xa hơn. Tuy nhiên, nếu không đặt được những viên gạch đầu tiên là chiến thắng trong “ao làng” Đông Nam Á thì chúng ta lấy gì để tiến xa hơn?
Ông Miura đặt mục tiêu quá cao trong khi bao năm nay ta vẫn phải "ngụp lặn" trong ao làng Đông nam Á
Trong khi đã bao năm nay nhắc đến Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Myanmar chúng ta vẫn còn phải e dè, chứ chưa bao giờ dám tự tin khẳng định sẽ giành chiến thắng. Chính việc xác định hướng đi sai lầm đã khiến ông Miura chọn lối chơi phòng ngự tiêu cực, thậm chí có phần thô bạo.
Rõ ràng, nó là lối chơi bóng đá đầy toan tính thời điểm hiện tại nhưng vô tình sẽ làm mất đi yếu tố kỹ thuật, vốn đã làm nên tên tuổi bấy lâu của đội tuyển. Việc thay đổi lối chơi theo triết lý bóng đá của ông Miura cũng cần một hàng thủ mạnh mẽ. Thế nhưng chúng ta vẫn chưa có một hàng thủ đủ chắc chắn để “chơi rắn”. Mà rõ ràng nhất là phút lỏng lẽo trong trận thua nhục nhã 3-0 trước người Thái.
Hàng phòng thủ dù đông đảo nhưng không làm chủ được tình huống mà lại bị hút theo Dangda, để rồi cầu thủ này chuyền bóng rất thoáng cho Thawikan. Ngay lập tức, Thawikan tung ra cú sút căng, bóng đi vào góc chữ A khiến thủ môn Nguyên Mạnh không có cơ hội cản phá.
Lối chơi rắn, phòng thủ tiêu cực thường xuyên cũng dẫn đến con dao hai lưỡi là những chấn thương đi kèm. Những thứ đó rõ ràng không phải mục tiêu bóng đá Việt Nam cần theo đuổi.
Một “cái tôi” đang hình thành
Bóng đá Việt Nam luôn có thời điểm để tỏa sáng, tia sáng không đến từ tập thể mà đến từ chính những cá nhân trong tập thể đó. Chính vì thế, muốn vận hành tốt nhất, không gì khác hơn là đưa ra nhiều lựa chọn trong việc sử dụng người, để cân nhắc đội hình hợp lý.
Nhưng ông Miura lại chỉ quen việc không thay đổi, đã có nhiều lúc người ta thấy ông giữ nguyên sơ đồ chiến thuật cũ trong nhiều trận đấu, thậm chí là cả hai trận liền kề nhau. Hay việc ông liên tục trọng dụng Mạc Hồng Quân, dù cầu thủ này thường tỏ ra “vô duyên” trong rất nhiều trận. Mặt khác, ông chỉ thay cầu thủ có thể mang đến đột biến như Công Phượng vào những phút cuối.
Ông Miura rất trọng dụng Mạc Hồng Quân, dù cầu thủ này thường tỏ ra “vô duyên” trong nhiều trận
Có thể Công Phượng có tố chất của một cầu thủ giỏi nhưng chắc chắn chưa thể là một cầu thủ lớn. Đủ để có thể vực dậy tinh thần toàn đội như Zinedine Zidane, cũng chưa tới tầm xoay chuyển cục diện như những huyền thoại khác. Nhưng rõ ràng thay người ở 5 hay 10 phút cuối thì những huyền thoại sống kia chắc cũng được một phen vã mồ hôi.
Việc ông cho Công Phượng vào sân những phút cuối trận cũng gây nhiều tranh cãi
Sự nghiêm túc có phần thái quá
HLV Miura đã đưa các học trò của mình vào khuôn khổ, thậm chí sẵn sàng dùng “bàn tay sắt” để tạo nên tính kỷ luật ở đội tuyển. Ở những lần tập trung, HLV người Nhật Bản luôn yêu cầu VFF gắn camera ở phòng ăn để giám sát cầu thủ. Tất cả phải ăn, ngủ đúng giờ, không ai được phép đến muộn.
Trong các bữa ăn, HLV Miura cũng cấm tuyệt đối các cầu thủ không được dùng điện thoại. Đồng thời hạn chế tối đa cho các cầu thủ ra khỏi doanh trại. Chỉ sau những trước hay sau những trận đấu căng thẳng, ông mới cho phép học trò “xả trại” để cân bằng trạng thái tinh thần, nhưng tất cả đều được dặn kỹ là phải tuyệt đối tránh xa rượu bia, cờ bạc và thậm chí là không được phép… đi xe máy. Giờ giới nghiêm ở đội là 22 giờ, nếu muộn cũng sẽ chịu hình phạt nặng.
HLV Miura được cho là "ôm" quá nhiều việc
Trong những vấn đề trên rõ ràng nó chưa tập trung nhiều vào chuyên môn của ông thầy người Nhật. Nếu không muốn nói là quá ôm đồm khi gánh vác nhiều công việc vào người, cảm giác như nó giống công việc làm “tổng quản” hơn là HLV của đội tuyển.
Có thể lý giải là nó sẽ làm gương cho các cầu thủ, từ đó tạo nên tính kỷ luật. Tuy nhiên, nếu tâm lý thiếu đi sự thoải mái thì liệu sự chuyên nghiệp có khỏa lấp được?
Rõ ràng ông Miura và canh bạc “mãi sẽ dang dở” với đội tuyển Việt Nam sẽ chẳng bao giờ đi đến hồi kết, nhất là trong đức tính bảo thủ nổi tiếng của ông.
Trương Lâm