(CAO) Sau một mùa bóng sôi động trên sân cỏ châu Âu, giới hâm mộ bóng đá đang hướng đến World Cup 2018, với tâm lý chung là chờ đợi sự lặp lại của những xu thế quen thuộc về mặt chuyên môn.
Đây sẽ là một sai lầm, bởi lẽ World Cup khác hẳn Champions League, càng không bao giờ tương đồng với các trận địa VĐQG như Premier League, Serie A hoặc La Liga.
Mùa bóng vừa qua, có 401 bàn thắng được ghi trong 125 trận đấu tại Champions League - tỷ lệ bình quân 3,21 bàn/trận. Đây là tỷ lệ ghi bàn rất cao trong bóng đá hiện đại. Trong khi đó, tỷ lệ ghi bàn trên sân cỏ World Cup suốt từ đầu thế kỷ mới đến nay luôn ổn định trong khoảng 2,27 đến 2,67 bàn/trận. Khác biệt này nói lên rất nhiều điều.
Ở World Cup - nhất là trong giai đoạn knock-out, người ta thi đấu trước tiên chỉ để không thua. Ngay giữa thời kỳ đỉnh cao của kỷ nguyên tiki-taka, đội tuyển TBN bước lên bục vinh quang ở World Cup 2010 với 4 trận thắng liên tiếp luôn có tỷ số 1-0.
Tất nhiên, chúng ta phải xem chuyện Đức thắng Brazil 7-1 ở vòng bán kết World Cup 2014 là một ngoại lệ hy hữu, chỉ xuất hiện một lần trong cả trăm năm. Khi Đức lên ngôi vô địch World Cup 2014, họ cũng chỉ thắng Argentina bằng tỷ số tối thiểu 1-0, với bàn quyết định do cầu thủ dự bị Mario Goetze ghi ở hiệp phụ của trận chung kết.
Vấn đề là vì sao tâm lý "an toàn là bạn" luôn phổ biến giữa các đội mạnh trên đấu trường World Cup? Đấy là vì thể thức knock-out không tha thứ cho bất cứ sai lầm nào. Chỉ cần một lần sẩy chân là ứng cử viên vô địch có thể lập tức phải rời khỏi cuộc chơi.
Mặt khác, các ĐTQG chỉ tập trung vài lần trong năm và lực lượng thì bị hạn chế bởi vấn đề quốc tịch (dẫn tới sự khập khiễng về đẳng cấp cá nhân ngay trong đội).
Lối chơi cả các ĐTQG - kể cả các đội mạnh nhất như Brazil, Đức, Pháp - do vậy không bao giờ nhuần nhuyễn như các CLB vốn được tập hàng ngày và thi đấu hàng tuần. Đã không nhuần nhuyễn về lối chơi, lại không có lực lượng đồng đều như mong muốn, thì giải pháp chung là phải xây dựng được hệ thống phòng thủ chắc chắn.
Tại World Cup, người ta phòng thủ bằng chiến thuật toàn đội, còn khi tấn công thì phải trông chờ vào những khoảnh khắc cá nhân lóe sáng, trông chờ vào sự sáng tạo.
Đấu trường CLB khác hẳn ở chỗ: đa số đội mạnh bây giờ chơi bằng triết lý (mà triết lý thì còn cao cấp hơn chiến thuật). Triết lý tấn công được xây dựng rất rõ ràng ở các đội mạnh như Barcelona, Liverpool, Man City. Vì CLB được thoải mái mua người nên họ luôn có cầu thủ phù hợp với triết lý của nhà cầm quân, và có điều kiện tập đến nhuần nhuyễn cách chơi theo triết lý.
Thể thức "marathon" ở giải VĐQG cho phép các đội mạnh có thể sẩy chân vài lần mà rút cuộc vẫn cứ đăng quang. Còn ở Champions League, ngay cả thể thức knock-out thì cũng bao gồm 2 lượt, nghĩa là người ta vẫn có cơ hội sửa sai trong trận lượt về. Bóng đá tầm CLB do vậy luôn có đặc điểm tấn công cao hơn.
Đây là khác biệt quan trọng mà giới hâm mộ cần lưu ý khi thưởng thức trận địa World Cup. Ở giải đấu này, đội muốn tranh ngôi vô địch là trước đội trước tiên phải có hệ thống phòng thủ (hệ thống tức gồm cả chiến thuật lẫn con người) hoàn hảo, chứ không hẳn là đội quy tụ nhiều ngôi sao sáng trên hàng công.
(CAO) Chỉ còn ít giờ nữa là World Cup 2018 sẽ chính thức khởi tranh. Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tham dự lễ khai mạc và xem trận đấu mở màn giữa Nga và Saudi Arabia tại sân vận động Luzhniki ở Moscow.
Bảo Chương