Những kỳ án liên quan tới World Cup (kỳ 1)

Thứ Hai, 11/06/2018 15:01

|

(CAO) Hàng tỷ người trên hành tinh hân hoan chờ đón lễ khai mạc vòng chung kết World Cup. Đối với lực lượng bảo vệ pháp luật, sự kiện thể thao được coi là lớn nhất hành tinh này lại là khoảng thời gian căng thẳng đối phó chống lại các âm mưu khủng bố, trộm cắp, côn đồ, mại dâm, giết người, dàn xếp tỷ số, cá cược, lừa đảo, hối lộ.

KỲ 1: NHỮNG VỤ ÁN QUANH BỨC TƯỢNG VÀNG WORLD CUP

Đã có lúc “Nữ thần Chiến thắng Nike” bị nhét trong hộp giày cũ dưới gầm giường; trong nhiều năm phải chịu nghi án là đã bị đánh tráo; rồi bị ăn trộm và ngẫu nhiên tìm được nhờ một chú chó. Và kể cả khi cho rằng nó đã bị nấu thành khối kim loại thì FIFA vẫn bỏ ra một đống tiền để mua về một bản sao của bức tượng – việc này khiến các tín đồ túc cầu đoán già đoán non rằng tổ chức này vẫn còn hy vọng chiếc cup vẫn đang lưu lạc đâu đó.

Nữ thần Chiến thắng ra đời

Tháng 5-1928, Đại hội lần thứ 17 của Liên đoàn bóng đá Thế giới (FIFA) quyết định tổ chức giải vô địch thế giới riêng cho môn bóng đá (FIFA World Cup).Điêu khắc gia người Pháp Abel Lafleur đã thiết kế chiếc cúp đúc bằng hợp kim bạc 92.5% bên ngoài mạ vàng.

Bức tượng nữ thần Chiến thắng Nike lấy ý tưởng từ thần thoại Hy lạp cao 35 cm, nặng 3,8kg và được đặt trên một chân đế bằng ngọc thiên thanh (đá thạch anh vụn xanh nước biển) gốc từ Afghanistan.

Chiếc cúp vàng sau khi tìm lại được vào năm 1966

Chiếc cúp đến Uruguay thầm lặng, nằm gọn trong va-li của Chủ tịch FIFA Rimet trên chuyến tàu biển vượt Đại Tây Dương. Ngày 30-7-1930, chiếc cúp được trao cho đội bóng Uruguay vừa giành chức vô địch. Từ nay trở đi bức tượng Nữ thần Chiến thắng Nike trở thành niểm vinh quang của không chỉ của đội bóng, của giới thể thao mà là niềm tự hào dân tộc của quốc gia đoạt được nó.

Bốn năm sau, tức 1934, chiếc cúp được chuyển giao cho đội tuyển Ý trong giải World Cup Italia. Bức tượng nữ thần Chiến thắng Nike tiếp tục ở lại Ý sau khi đội tuyển nước này vượt qua đội Hungary trong trận chung kết tại World Cup Pháp năm 1938. Các kỳ World Cup năm 1942 và 1946 bị hủy bỏ vì chiến tranh và chỉ được nối lại vào năm 1950 với nước chủ nhà là Brazil.

Số phận biến động của chiếc Cúp bắt đầu từ năm 1939 khi chiến tranh Thế giới II bắt đầu. Tuy không phải là người hâm mộ bóng đá nhưng Hitler hiểu giá trị của bóng đá đối với chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Hắn lợi dụng những đám đông khổng lồ fan cuồng bóng đá cho mục tiêu chính trị.

Bộ trưởng tuyên truyền Goebbels từng tuyên bố: "Đối với dân chúng, thắng một trận bóng quan trọng hơn chiếm một thành phố ở mặt trận phía Đông". Thất bại của Đức ngay vòng đầu của giải World Cup 1938 khiến Hitler cay cú bởi Đức từng bắt đội bóng Anh chào theo kiểu quốc xã trước khi giao đấu!

Bức tượng Nữ thần Chiến thắng Nike đã may thoát khỏi bàn tay vơ vét quốc xã. Lịch sử ghi nhận công lao này cho Ottorino Barassi, người từng tham gia tổ chức 2 kỳ World Cup Italia và là Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Ý sau chiến tranh Thế giới II. Khi chiến tranh nổ ra, Barassi đã bí mật đem chiếc cúp đang gởi ở một ngân hàng Ý đem về nhà cất giấu dưới gầm giường, trong một một một hộp đựng giày đã cũ.

Vụ trộm rúng động World Cup London

World Cup 1966 tổ chức tại Anh. Chiếc cúp được đưa tới London và được Công ty Tem Stanley Gibbons mượn để triển lãm vào tháng 3 với điều kiện có 4 bảo vệ mặc đồng phục và thường phục canh gác 24/7. Chiếc cúp được bảo hiểm với trị giá khai báo là 30.000 bảng (tức là gấp 10 lần giá trị sản xuất).

Tuy nhiên, chiếc cúp đã bị đánh cắp vào giữa trưa 20-3-1966. Nhân viên bảo vệ có mặt ở mọi vị trí yêu cầu nhưng không ai nghe hay nhìn thấy gì ngoại trừ 1 người nói có thấy một người lạ cạnh ngăn điện thoại công cộng gần nhà vệ sinh ở tầng 1.

Dấu vết cho thấy kẻ trộm đã từ ngoài phố đi vào qua cửa hông phòng trưng bày, gỡ vách sau tủ kính để lấy chiếc cúp. Qua ngày 21-3 Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Anh Joe Mears nhận được cú điện thoại nặc danh yêu cầu ông cử người lấy một gói hàng đặt ở gần câu lạc bộ Chelsea. Mears mở ra thấy có phần nắp tháo rời được của bức tượng và giấy đòi 15.000 bảng tiền chuộc trả bằng các tờ bạc 1 và 5 bảng.

Danh thủ Pele và chiếc cúp

Bức thư yêu cầu Liên đoàn bóng đá Anh đăng trên mục quảng cáo cá nhân tờ Tin tức Buổi chiều các chỉ dẫn và ám hiệu giao tiền. Nếu mọi việc diễn ra đúng quy ước, Liên đoàn sẽ nhận lại chiếc cúp trước ngày 27-3, còn nếu báo cảnh sát thì chiếc cúp sẽ bị đưa vào lò nấu chảy. Liền sau đó, có một kẻ tự xưng Jackson gọi điện lại đòi trả tiền chuộc bằng tờ 5 và 10 bảng.

Nhận được thông báo từ Mears, cảnh sát Anh cho đăng quảng cáo và yêu cầu ngân hàng chuẩn bị “tiền chuộc” nhưng chỉ những tờ bạc bên ngoài mỗi cọc tiền là thực. Hai thám tử được cử tới nhà Mears với tư cách “trợ lý”. Khi Jackson gọi tới thám tử Charles Buggy tiếp điện thoại và nói ngài Mears bị bệnh. Tuy lo ngại, nhưng sau một hồi trao đổi, Jackson đồng ý gặp Buggy tại cổng công viên Battersea.

Buggy mở va li cho Jackson xem tiền nhưng hắn không chịu đưa bức tượng ra vì sợ bị cướp và đề nghị thám tử chở hắn tới chổ cất giấu. Dọc đường, phát hiện có xe hơi khác bám theo, Jackson đòi Buggy dừng lại để hắn xuống lấy bức tượng và hòa vào dòng người góc phố. Khi Bugyy đuổi theo Jackson lại xuất hiện, trèo lên xe của Buggy. Rồi mặc xe đang chạy hắn lại nhảy xuống đường, buộc Buggy phải đuổi theo, lúc bằng xe, lúc chạy bộ trước khi tóm được hắn dẫn về đồn.

Cảnh sát xác định Jackson tên thật là Edward Betchley, một gã trộm kiêm nghề bán xe hơi cũ, từng ngồi tù. Hắn chối là đã đánh cắp chiếc cúp mà nhận rằng được một nhân vật có tên “Cây Cọc” thuê àm trung gian đòi tiền chuộc với giá 500 bảng. Tại phòng triển lãm, bảo vệ không nhận dạng được hắn nhưng có một nữ nhận viên nhìn ra hắn.

Cuộc điều tra đang tiếp tục thì đúng ngày 27-3 một người đàn ông tên David Corbett sống ở quận Beulah Hill phía đông nam London dắt chó ra cửa đi dạo thì con Pickles đánh hơi thấy gói giấy báo cũ cột dây ở bờ rào. Mở ra, Corbett thấy bức tượng và nộp cho cảnh sát. Ban đầu Corbett bị nghi vấn nhưng cuộc điều tra cho thấy ông ta vô can và được thưởng 6.000 bảng. Betchley bị kết án 2 năm tù và đã chết vào năm 1969.

Đã bị nung chảy hay còn lưu lạc?

Năm 1970, khi Brazil giành ngôi vô địch lần ba và chiếc cúp thuộc về quyền sở hữu vĩnh viễn của họ theo quy định do Jules Rimet đặt ra từ năm 1930. Nó được bảo quản trong một tủ kính chống đạn tại văn phòng của Liên đoàn Bóng đá Brazil. Thế nhưng vào ngày 19-12-1983, chiếc cúp đã biến mất. Kẻ trộm đã dùng xà beng phá vách gỗ sau căn phòng chứa.

Cuộc điều kết luận chủ ngân hàng tên Sergio Peralta đã thuê cựu cảnh sát viên Francisco Rivera và thợ sơn José Luiz Vieira tìm cách vô hiệu hóa người gác đêm để đánh cắp chiếc cúp. Chúng khai khai bức tượng đã bị một tay buôn vàng bạc Argentina tên Juan Carlos Hernández nấu chảy thành thỏi. Hernandez bác bỏ lời khai này, thêm nữa các dấu vết vàng còn lại trên khuôn đúc không khớp với mẫu vàng mạ bức tượng.

Các điều tra viên cũng nghi ngờ lời khai này vì bức tượng chủ yếu làm bằng bạc, chỉ có giá trị khi chưa bị nung chảy. Peralta ra tù năm 1998, các đồng phạm khác, kẻ bị bắn chết, kẻ bỏ trốn bị bắt lại.

Chiếc cúp mới từ kỳ World Cup 1974

Để chuẩn bị cho World Cup 1974, FIFa đã mở cuộc thi thiết kế chiếc cúp mới. Họa sĩ Ý Silvio Gazzaniga đã giành chiến thắng với chiếc cúp cao 36,5 cm năng 5kg, đúc bằng vàng 18 carat (hàm lượng 75%) trị giá khoảng 150.000 USD theo giá 2017. Phần trụ đế có đường kính 13 cm với hai lớp đá lông công màu xanh lá cây giữa có dòng chữ FIFA WORLD CUP. Ở mặt đáy của đế có khắc tên các quốc gia và năm giành ngôi vô địch.

Tuy nhiên, khi chiếc cúp được đưa tới Thụy Điển trước ngày mở màn giải vô địch, có những xì xào rằng nó khác với chiếc cúp mà đội tuyển Tây Đức nhận khi giành ngôi vô địch. Thậm chí có người cho rằng trong thời kỳ được lưu giữ tại thị trấn Hanau của Tây Đức chiếc cúp đã bị thất lạc, hư hỏng hay bị đánh cắp và đã được thay thế bằng một bản sao khác.

Mãi tới năm 2013, khi FIFA xây bảo tàng nghi vấn này mới được kiểm tra kỹ càng và xóa bỏ. Đội trưởng đội tuyển Đức Fritz Walter nhớ lại sau khi nhận cúp, ông phát hiện đế chiếc cúp đã ghi tên 4 quốc gia vô địch, không có chỗ để thêm tên đội Tây Đức. Và một chiếc đế khác lớn hơn, cũng bằng đá Thanh thiên 8 mặt được thế vào. Một mặt chính ghi FIFA WORLD CUP, bảy mặt kia, mỗi mặt khắc tên 2 nhà vô địch.

Còn tiếp...

Bình luận (0)

Thống kê
Lên đầu trang