(CAO) Mồ hôi và nước mắt vẫn rơi hàng ngày trên sàn tập, trong đấu trường của Đại hội. Nhưng không mấy ai nhớ đến, vì họ không phải là... cầu thủ bóng đá.
Là người làm truyền thông, chúng tôi từng rất muốn giới thiệu, tiếp cận nhiều VĐV vừa có tài, vừa có thể hình đẹp để làm những bài chân dung. Nhưng họ đều ngần ngại và chia sẻ "ít ai quan tâm đâu". Mồ hôi của những người đang mơ ngày được đứng trên bục vinh quang vẫn rơi, bất chấp những chấn thương tinh thần và thể xác. Nhưng buồn thay, những giọt mồ hôi mà "ít được ai quan tâm".
Chủ nhật (1/12) vừa qua có lẽ là ngày đáng nhớ nhất trong cuộc đời nữ vận động viên cử tạ Vương Thị Huyền. Vượt qua đối thủ đáng gờm của Indonesia là Lisa Setiawati, vượt qua nỗi ám ảnh chấn thương, và hơn cả là vượt qua nỗi đau mất cha chỉ hơn chục ngày trước khi lên đường dự SEA Games, Huyền giành chiếc huy chương vàng đầu tiên cho cử tạ Việt Nam ở hạng cân 45kg.
Đó lẽ ra phải là một câu chuyện ngập tràn cảm hứng. Câu chuyện của một người đã vượt qua nỗi đau của quá khứ, chiến đấu hết mình trong hiện tại và mơ về tương lai, bởi Huyền cũng là một vận động viên được đầu tư trọng điểm cho mục tiêu đoạt huy chương tại Olympic Tokyo 2020.
Nó truyền cảm hứng còn bởi cô gái người Bắc Giang đã bật khóc trên bục nhận huy chương, có lẽ vì hạnh phúc, hoặc cũng có lẽ vì đang nhớ về bố mình. Như chính cô đã bộc bạch sau đó với truyền thông. Trước khi thi đấu, cô nói thầm "Bố ơi, hãy tin con".
Vương Thị Huyền (HCV cử tạ - hạng cân 45kg)
Nhưng sáng ngày thứ hai, cô mở điện thoại ra và thấy gì trên các trang báo và mạng xã hội? Chủ đề: Bùi Tiến Dũng và sai lầm của anh tràn ngập. Có gì đó hơi bất công, khi giữa một đại hội SEA Games với đủ các môn thể thao, chúng ta lại biến một trận đấu bóng đá mới ở vòng bảng thành dòng chủ lưu thời sự, thay vì một trận chung kết tranh huy chương.
Chúng ta bỏ qua một tấm gương thành công để mổ xẻ sai lầm của một cá nhân, của một môn chơi tập thể, trong một trận đấu mà ta đã thắng. Từ sai lầm của Bùi Tiến Dũng, ta cãi nhau tiếp về sự vạ miệng của một bình luận viên trên sóng truyền hình. Facebook bấy lâu nay vẫn thế, kéo tất cả mọi người vào một "hot trend" nào đó và bỏ qua những thông tin đáng chú ý khác. Nhìn vào đó, ta ngỡ như SEA Games chỉ có mỗi môn bóng đá.
Trên thực tế, bóng đá cũng chỉ tranh một bộ huy chương như mọi môn thể thao khác. Các cầu thủ của đội U22 Việt Nam đã tập luyện vất vả, nhưng đừng quên các vận động viên khác cũng thế. Họ cũng vùi mình trong phòng tập, cũng chịu áp lực thành tích và cũng oằn mình với những chấn thương.
Mấy ai trong chúng ta nhớ đến những cái tên đã và đang làm rạng danh nền thể thao Việt Nam? Họ là những Đặng Đình Tiến với môn bida, Mai Công Hiếu môn xe đạp, tay bóng bàn Đoàn Kiến Quốc; cầu thủ bóng đá nữ Chương Thị Kiều và Huỳnh Như; vận động viên điền kinh Lê Tú Chinh; cầu thủ bóng chuyền Kim Huệ; Hải Thảo môn cầu mây, Cao Ngọc Phương Trinh và Văn Ngọc Tú môn Judo, Hoàng Xuân Vinh môn bắn súng, Huyền Diệu và Tuyết Vân với Taekwondo, các vận động viên thể dục dụng cụ Quỳnh Nam, Trương Minh Sang và Lê Thanh Tùng... và nhiều cái tên khác.
Trong khi đâu đó trên đất Philippines, có lẽ nhiều người cũng mong mình gặp một "cơn khủng hoảng" như Bùi Tiến Dũng, cơn khủng hoảng dễ chịu của một người đang được cả nước quan tâm. Đấy là hạnh phúc của kẻ bị "ném đá", vẫn tốt hơn là bất hạnh của những thân phận bị lãng quên.
Đức Anh - Ngọc Uyên