Nên nhớ, phải đến tuổi 25, Lionel Messi thiên tài mới được Barcelona cất nhắc lên vị trí cán bộ đội, mà còn là đội phó thứ 4. Theo đó, những tưởng, tương lai của bóng đá thế giới sẽ thuộc về Fabregas. Nhưng, hóa ra, anh chỉ là người đi bên rìa của lịch sử; là kẻ đam mê nửa vời.
Fabregas đang làm khó bản thân với những rắc rối ở hậu trường Chelsea
Hiện tại, ở tuổi 28, trong khi người đồng đội thế hệ 87 ở La Masia một thời như Lionel Messi, Gerard Pique có trong tay tất cả, là những nhân vật chính của thời đại thì Fabregas vẫn nửa chìm, nửa nổi; không dở, cũng chẳng hay và vẫn đang vật vã sinh tồn ở Chelsea.
Nguyên nhân chính khiến Fabregas không thể bật lên được là bởi anh thiếu bản lĩnh, thiếu sự quyết tâm lớn ở những thời điểm quyết định. Có lẽ, do quá trình trưởng thành quá thuận lợi khiến anh thiếu chút tính cách tạo nên cầu thủ lớn.
Trái ngược với nhiều ngôi sao số 1 thế giới ở thời điểm hiện tại như: Cristiano Ronaldo, Luis Suarez,… Fabregas sinh ra trong một gia đình trung lưu ở thành phố Barcelona, cả cha lẫn mẹ đều có công ty riêng. Biến cố lớn nhất trong thời niên thiếu của anh chính là việc bố mẹ quyết định đường ai nấy đi năm 2001.
Tuy nhiên, cậu bé Fabregas 14 tuổi đã nhanh chóng được xoa dịu nỗi đau khi được chính thần tượng của mình là Pep Guardiola đến tặng chiếc áo đấu, cùng lời động viên quý báu: “Một ngày nào đó, số 4 của Barca này sẽ là của cậu”.
Fabregas trong những ngày đầu đến với Arsenal
Sự nghiệp của anh cũng thế, không thể hanh thông hơn được nữa. Ngay từ nhỏ, tài năng thiên bẩm của Fabregas đã được tất cả mọi người công nhận. Lúc còn bé tí, HLV Senor Blai của CLB CE Mataro, còn không dám để anh ra đấu với đội bóng đến từ La Masia, vì sợ Barca sẽ ngay lập tức cuỗm mất tài năng sáng giá nhất của ông. Tuy nhiên, cuối cùng Blai cũng không thể che dấu được hào quang của Fabregas, anh gia nhập La Masia lúc 10 tuổi, cùng đội với Lionel Messi và Gerard Pique.
Ở tuổi 16, trong lúc nhiều tài năng lớn vẫn đang hoang mang lo lắng về tương lai, tìm mọi cách khẳng định bản thân ở đội B để có cơ hội lên chơi tại đội 1; thì Fabregas được Arsenal “trống dong, cờ mở” đón về sân Emirates với giá 20 triệu bảng, kèm lời hứa sẽ toàn lực hỗ trợ anh trở thành biểu tượng của đội trong tương lai.
Để giúp Fabregas mau chóng hòa nhập với nước Anh, Wenger đã cử hẳn Philippe Sanderos, cầu thủ Thụy Sỹ nhưng có thể nói được tiếng Tây Ban Nha, do có mẹ là người Tây Ban Nha; sống cùng anh. Sau 2 năm làm quen với môi trường mới, năm 2005, ở tuổi 18, anh chính thức trở thành trụ cột của đội 1.
Được Arsenal trao băng thủ quân ở tuổi 21
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, chính sự o bế quá mức của Wenger chính là một trong những nguyên nhân cản trở sự phát triển của Fabregas, khiến anh chưa bao giờ có thể vươn lên tầm mức siêu sao với tiềm năng sẵn có. Trong 8 năm khoác áo Arsenal, Wenger vừa là người thầy vừa là người cha của Fabregas; luôn bao dung và bảo bọc Fabregas một cách thái quá. Anh luôn nghiễm nhiên có suất đá chính ngay cả khi không có phong độ tốt. Điều đó, khiến cầu thủ người Tây Ban Nha dễ dàng hài lòng với bản thân, thiếu khả năng vượt khó.
Trong 6 năm chơi cho đội 1, Fabregas nhiều lần tỏ ra đuối sức vào nửa cuối mùa giải, giai đoạn quan trọng khi phải chạy nước rút ở các mặt trận; nhưng Wenger chưa một lần trách mắng Fabregas vì điều đó. Phản ứng của Wenger khiến Fabregas nghĩ điều đó hết sức bình thường, mình mệt thì nghỉ, không cần cố gắng như những đồng nghiệp khác.
Và, Fabregas chỉ nhận ra thói quen đó là xấu sau khi quay trở lại mái nhà xưa Barcelona. Fabregas tài năng thật đấy, song CLB xứ Catalan không muốn giữ một cầu thủ luôn biến mất mỗi khi đội bóng cần. Họ không dễ thỏa mãn và dễ dãi như Wenger, ngay cả với đứa con vừa tha hương mới trở về.
Fabregas thất bại trong màu áo Barca vì thói quen xấu
Sang Chelsea, mọi chuyện cũng chẳng có gì thay đổi. Fabregas có 5 bàn và 21 kiến tạo ở mùa 2014-2015, song chỉ có 1 bàn và 5 kiến tạo là diễn ra ở lượt về. Cũng may cho anh là Chelsea cũng vô địch Premier League ở cuối mùa giải, nên chẳng ai chú tâm đến điều đó và vẫn coi Fabregas là công thần.
Nhưng, mùa bóng này, sau lần đầu tiên trở thành đầu tàu mang một CLB đến thành công lớn; Fabregas lại tự chôn vùi sự nghiệp với việc trở thành kẻ châm ngòi ly gián, đá Jose Mourinho ra khỏi Stamford Bridge. Mùa trước, Mourinho và Fabregas luôn tung hô nhau hết lời, thế mà…
Dường như, với bóng đá, đam mê của Fabregas luôn nửa vời, anh ít khi ra sân với tâm thế sống chết vì nó; cứ hơi có chút không hài lòng hoặc mệt mỏi là ngay lập tức buông xuôi. Anh rất dễ bị ngoại cảnh tác động. Fabregas đá bóng là bởi trách nhiệm với đồng tiền mà mình nhận từ CLB chứ không hề có niềm vui. Tất nhiên, đam mê nửa vời thì sự nghiệp cũng nửa vời, đời vốn là thế…
Sa Mộc