Cầu thủ Pháp đang trở thành chiến sỹ ‘tuyến đầu’ thời ‘loạn lạc’

Thứ Năm, 19/11/2015 05:04  | Sa Mộc

|

(CAO) Vì lo ngại khủng bố, người Bỉ đã chính thức thông báo sẽ hủy trận giao hữu với Tây Ban Nha hôm thứ ba: “Lần gần nhất, khi Liên đoàn bóng đá Bỉ liên hệ với chính phủ, đã được khuyên nên bỏ trận đấu vào sáng mai. Đây là thời điểm mà mức độ xảy ra khủng bố cực cao bởi không ai dám chắc tình hình an ninh không có lỗ hổng”.

Những tưởng, người Pháp cũng sẽ làm điều tương tự, vì so ra, đội tuyển Pháp còn ở tình thế nguy hiểm hơn Bỉ. Pháp đang là chiến trường chính của bọn khủng bố và một vụ nổ đã diễn ra ở bên ngoài sân Stade de France, lúc đang diễn ra trận Pháp-Đức, ở ngày thứ sáu đen tối.

Nhưng, mọi chuyện lại diễn ra ngược lại. Trong buổi họp báo trước trận đấu, tuyển Pháp xác nhận là trận giao hữu với người Anh ở Wembley vẫn sẽ diễn ra như kế hoạch. “Tôi có thể nói, chúng tôi có một vài nghi ngại và lo lắng về trận đấu, nhưng cuối cùng, tổng thống nói rằng, chúng tôi phải chơi trận đấu này. Giống như tất cả các đồng đội, chúng tôi tôn trọng quyết định của ngài ấy. Đây là cơ hội tốt để đại diện cho nước Pháp. Tôi nghĩ, bây giờ, đất nước quan trọng hơn đội tuyển”, đội trưởng Hugo Lloris phát biểu.

Đội tuyển Pháp không giấu được quan ngại trong lúc thi đấu vào thời điểm này

Đúng như lời thủ thành Lloris nói, đội tuyển Pháp bây giờ không chỉ đại diện cho một nền bóng đá mà cho cả quốc gia. Đội bóng nào cũng có thể lựa chọn từ bỏ vào thời điểm này, trừ tuyển Pháp. Bởi, nếu họ làm thế, chẳng khác nào tự thừa nhận với cả thế giới và cả bọn khủng bố, nước Pháp đang run sợ trước bạo lực và cái ác.

Vì thể diện của quốc gia, vì lời “phát biểu” của tổng thống; các tuyển thủ Pháp buộc phải ra sân thi đấu cho dù phải “đá trong sợ hãi” do không biết có họng súng nào trên khán đài đang chĩa về phía mình hay luôn ở tình trạng phập phồng lo lắng cho an toàn của người thân ở quê nhà.

Nhưng vì thể diện quốc gia các cầu thủ Pháp buộc phải làm chiến sỹ tuyến đầu

Từ trước đến nay, sân bóng là địa điểm “hành sự” ưa thích của những kẻ khủng bố: vừa dễ trà trộn, tính sát thương cao lại mau “nổi tiếng”. Thế nên, nói chẳng ngoa, các tuyển thủ Pháp chính là những chiến sỹ tuyến đầu trong cuộc chiến chống khủng bố của nước Pháp.

Không chỉ các tuyển thủ Pháp, nhiều cầu thủ đang chơi ở Ligue cũng đang chứng tỏ lòng dũng cảm của bản thân. Ở thời điểm này, chẳng ai muốn trở lại nước Pháp, nhưng với vị thế xã hội, vì nghề nghiệp những ngôi sao như: Javier Pastore, David Luiz hay Edinson Cavani phải trở lại Paris đổ nát.

Công tác an ninh gần như không thể không phát sinh "lỗ hổng"

“Tôi có hai người bạn chết ở nước Pháp, họ sống cách tôi 3 tòa nhà và họ đã có mặt trong buổi biểu diễn đó. Nhưng, tôi phải quay lại, tôi có công việc ở đó và tôi phải có trách nhiệm. Tôi sẽ trở về sớm”, Pastore - ngôi sao của Paris Saint-Germain chia sẻ.

Vị thế và trách nhiệm xã hội buộc những ngôi sao bóng đá như Pastore, Cavani phải trở thành những chiến sỹ ở tuyến đầu; dù biết điều đó có thể nguy hại đến tính mạng của bản thân. Thế nên, chuyện họ nhận lương cao chót vót chẳng có gì bất công cả!

Bình luận (0)

Thống kê
Lên đầu trang