Bóng đá Thái Lan: Thành công vì không muốn làm 'vua xứ mù'

Thứ Ba, 05/04/2016 14:35

|

Vòng loại thứ hai World Cup 2018 - khu vực châu Á đã khép lại, với đội tuyển Thái Lan là đại diện duy nhất của Đông Nam Á thẳng tiến đến vòng loại cuối cùng.

Việc Thái Lan đi tiếp, theo cách hoàn toàn thuyết phục, là một bất ngờ với bóng đá châu Á. Nhưng với những ai theo dõi sát sao quá trình phát triển của bóng đá nước này, đấy là một hiện tượng có thể giải thích. Và sự hiện diện của Thái Lan ở vòng loại cuối cùng là một thông điệp cho thấy họ đã chính thức bước lên chiếu trên của bóng đá châu Á.

Với một đội bóng đang phát triển, tiến đến vòng loại cuối cùng là một cơ hội tuyệt vời, vừa để mơ về tấm vé dự World Cup, vừa để có thể thi đấu trên những mặt sân đẹp từ Seoul, Tokyo cho đến Sydney. Tất nhiên sẽ không dễ dàng gì, nhưng chí ít người Thái Lan đã thật sự sẵn sàng để bước vào cuộc chơi lớn.

Thái Lan (xanh) đã vượt hẳn tầm so với các đối thủ còn lại trong khu vực Đông Nam Á - Ảnh: Giang Huy

Đây mới là lần thứ hai Thái Lan lọt vào vòng loại cuối cùng cho World Cup. Lần đầu tiên diễn ra vào năm 2002, nhưng ngày ấy thầy trò Peter Withe không thể thắng nổi trận nào (hòa bốn, thua bốn sau tám trận). Năm nay, tình hình có lẽ sẽ khác đi ít nhiều. HLV Kiatisuk Senamuang nói: "Còn lại 12 đội bóng, chẳng có đội nào dễ dàng cả. Vì thế tôi không chờ đợi chạm trán ai cả, lá thăm đưa đến cho chúng tôi đội nào, chúng tôi sẽ đối đầu với đội ấy".

Kiatisuk vẫn luôn như thế, không khiếp nhược, nhưng cũng chẳng ngông cuồng. Và Thái Lan của hai lần lọt vào vòng loại cuối cùng cũng khác nhau. Dưới thời Peter Withe của hơn một thập kỷ trước, họ vượt qua một bảng đấu có Lebanon, Sri Lanka và Pakistan. Còn bây giờ, đội bóng ấy đứng đầu một bảng đấu có Iraq - đối thủ máu mặt trong khu vực.

Iraq từng là nhà vô địch châu lục năm 2007, vào đến tứ kết Asian Cup 2011 và chỉ thua Australia trong hiệp phụ. Họ tiếp tục vào đến bán kết giải đó năm 2015. Hậu vệ Ali Adnan của họ đang chơi cho Udinese ở Italy, Dhurgham Ismail thi đấu tại Thổ Nhĩ Kỳ, Saad Abdul-Amir rất đẳng cấp ở giữa sân, trong khi Younis Mahmoud, ở tuổi 37, vẫn biết cách ghi những bàn quyết định.

Kiatisuk và các học trò đang đi trên con đường lớn đến với châu lục - Ảnh: Bangkok Post

Xếp đầu một bảng đấu có Iraq rõ ràng là một thành tựu. Và họ đạt được điều đó không nhờ vào những sai sót của đối thủ. Họ chơi hoàn toàn ngang cơ: hòa 2-2 dù bị dẫn trước hai bàn ở lượt đi, và ngược lại hai lần dẫn trước đối thủ trong trận lượt về. Các HLV của Iraq sau đó đều thừa nhận họ bất ngờ trước lứa cầu thủ quá đẹp của Thái Lan, với những Chanatip Songkrasin, Teerasil Dangda hay Sarach Yooyen.

Bây giờ, Thái Lan sẽ là một ẩn số thú vị tại vòng loại cuối cùng. Họ biết đối phương quá rõ, nhưng đối phương chưa biết nhiều về họ. Từ lâu, Đông Nam Á vẫn bị các đối thủ xem thường, một sự xem thường... hợp lý khi đây vẫn là một trong những vùng đất kém phát triển nhất của bóng đá. Nhưng Thái Lan không cam phận làm ông vua xứ mù, họ đặt những mục tiêu lớn hơn. Vô địch AFF Cup, giành những chiếc HC vàng SEA Games có thể là mục tiêu của biết bao đội tuyển (trong đó có... Việt Nam), nhưng như vậy là chưa đủ. Thay đổi suy nghĩ, thay đổi vận mệnh. Việc Thái Lan chính thức bước lên chiếu trên là kết quả của một quá trình lao động miệt mài, dám thoát ra khỏi cái vùng an toàn để mơ mộng cao hơn.

Và cách chơi cả người Thái, phối hợp nhỏ gắn bó, chơi bóng ít chạm cho thấy người ta hoàn toàn có thể chơi bóng đá đẹp, ngay khi thực lực thua xa các đối thủ. Và họ cho thấy sự chuẩn bị chu đáo ngay trong những chi tiết nhỏ nhất. Đấy là lý do trong trận đấu cuối vòng loại trên sân Iraq, thầy Kiatisuk đến Tehran từ sớm, và khi vào trận, nhiệt độ cao cùng với áp lực không khí từ độ cao 1.200 mét so với mực nước biển không còn là trở ngại nữa. Họ buộc Iraq phải rượt đuổi tỷ số và thừa nhận sự lép vế về cuối trận.

Bóng đá Thái Lan thành công vì những người lãnh đạo có tầm nhìn, và những người hâm mộ biết chờ đợi - Ảnh: TW

Từ chỗ xem Việt Nam là đối thủ đáng gờm, Thái Lan bây giờ là một trong 12 đội mạnh nhất châu Á. Và khi xem Thái Lan thi đấu, ngay cả những người Việt Nam ngày trước vốn có ác cảm với họ có lẽ cũng phải bày tỏ sự thán phục. Cách làm bóng đá của người Thái quá căn cơ, cách các cầu thủ Thái thi đấu quá thuyết phục.

Sau chức vô địch AFF Cup 2008, bóng đá Việt Nam ngày càng sa sút. Vì chúng ta xem chức vô địch AFF Cup là đích đến, còn với Thái Lan, đấy chỉ là những bước đệm. Nếu họ không còn thống trị Đông Nam Á như nhiều năm trước nữa, không phải vì họ yếu đi, mà vì họ đã mạnh lên quá nhanh, đủ để không bận tâm đến những danh hiệu ở vùng trũng nữa. Điều đó được thể hiện rất rõ trong việc Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) mới đây công khai nói rằng họ sẽ giảm bớt sự quan tâm đến các giải đấu khác, và ưu tiên cho vòng loại World Cup 2018 trong năm nay. Họ thà làm anh chàng nhỏ bé ở vương quốc của những gã khổng lồ, chứ không làm "vua xứ mù" nữa.

Đó có thể là gợi ý cho những người làm bóng đá Việt Nam. Nếu không thay đổi tư duy, chưa đặt ra những mục tiêu dài hơi và vẫn chỉ đặt mục tiêu đánh bại Thái Lan, chúng ta sẽ chỉ mãi thấy cái lưng của người Thái cùng tiếng gọi trong vô vọng: "Chờ ta theo với".

http://thethao.vnexpress.net/tin-tuc/bong-da-trong-nuoc/bong-da-thai-lan-thanh-cong-vi-khong-muon-lam-vua-xu-mu-3378726.html

Bình luận (0)

Thống kê
Lên đầu trang