Mặt trận không tiếng súng ở mùa hè nước Pháp

Thứ Tư, 22/06/2016 12:42  | Sa Mộc

|

(CAO) Ai đang là bá chủ ở Pháp? Phải chăng là cầu thủ, chủ thể chính của giải đấu? Hay ban tổ chức, bao gồm nước Pháp và UEFA những người có quyền sinh sát trong tay?

Xin thưa, tất cả đều không phải. Các CĐV, cụ thể là các holigan hay ultras, gọi nôm na là các fan cuồng mới là những ông chủ thực sự Euro 2016.

Nước Pháp như đang trong thời chiến - Ảnh: Daily Mail

Với nhiều nguyên do khác nhau, họ đang biến đất nước hình lục lăng trở thành một chiến trường vô cùng khốc liệt. Lửa bụi khói mù mịt khắp nơi, trên các mặt sân, ngoài đường phố và trong các quán bar.

Những cuộc xô xát, đánh nhau, ẩu đả đang diễn ra như cơm bữa. Máu đã chảy, thậm chí còn có những cái chết. Chưa bao giờ, một kỳ Euro lại rối ren và phức tạp như bây giờ. Người ta thường bảo, bóng đá là một lăng kính khác của cuộc sống quả không sai.

Sự phấn khích của holigan Anh sau khi đánh nhau với cảnh sát Pháp - Ảnh: Daily Mail

Chẳng biết người Pháp đã làm gì có lỗi với cả châu Âu, mà để sự việc ra nông nổi như thế này. Cảm giác như, CĐV bóng đá của cả châu Âu đang cố chống lại nước Pháp. 6/10 thành phố đứng ra đăng cai tổ chức Euro có bạo động.

Khai cuộc đầu tiên không ai khác chính là các holigan đến từ Anh, những người hiếu chiến nổi tiếng thế giới. Ngay trong ngày khai mạc Euro, họ đã có cuộc đụng độ tưng bừng với cảnh sát Pháp ở Marseille. Hai CĐV quá khích khơi mào ném chai lọ vào cảnh sát Pháp đầu tiên bị phán quyết 3 tháng tù và 2 năm cấm nhập cảnh Pháp.

CĐV Nga – những ultras mới nổi của châu Âu - Ảnh: The Sun

Tuy nhiên, mức án đó có vẻ vẫn còn nhẹ, không đủ để người Anh chùn tay. Một ngày sau, các holigan tiếp tục lao vào một cuộc chiến 3 hiệp khác, lần này là với CĐV đến từ Nga. Trước trận Anh - Nga, cả hai đã đánh nhau ngoài sân, buộc lực lượng chức năng phải sử dụng hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông.

Vào trận, cảm thấy vẫn chưa đánh đã tay, CĐV Nga tiếp tục ném pháo sáng qua đối thủ. Sau trận, CĐV Nga vẫn không từ bỏ, họ đã tấn công 2 CĐV Anh bằng búa và thanh sắt.

Ân oán giữa Nga và Anh tiếp diễn đến ngày 15-6, khi hai bên đánh nhau lần nữa. Ít nhất đã có 36 người bị bắt và 16 người phải vào bệnh viện ở cả hai phía. Cuối cùng, thì holigan Anh cũng đã có đối thủ tại châu Âu.

CĐV Nga – Anh đánh nhau tưng bừng trên khán đài - Ảnh: The Sun

Ngày 12-6, cảm thấy nếu để cảnh sát thành phố Marseille bận rộn một mình không công bằng, CĐV của Đức và Ukaraine thỏa thuận cùng mở “đại hội anh hùng” tại thành phố Lille. Nhiều fan của cả hai đã lao vào nhau như con thiêu thân trên phố.

Trước quy mô của trận thư hùng, người Pháp đã huy động 4000 cảnh sát đến dẹp loạn. Cũng trong cùng ngày, thành phố Nice trở nên sinh động hẳn nhờ màn so găng giữa CĐV chủ nhà và Bắc Ireland. Có 6 CĐV Ireland và cảnh sát bị thương, trong đó có một người bị thương rất nặng.

Một cảnh sát đang tiến hành làm hồi sức cấp cứu cho CĐV Anh - Ảnh: Daily Mail

Hôm 17-6, một sự cố cực kỳ hy hữu đã diễn ra ở sân Geoffroy-Guichard, thành phố Saint-Etienne, khi CĐV của Croatia cố tình ném pháo sáng xuống sân vì không muốn đội tuyển của mình chiến thắng.

Croatia đang dẫn 2-0 và vì CĐV của mình gây rối, họ đã bị ảnh hưởng tâm lý, để CH Czech gỡ hòa 2-2. Lý do khiến các CĐV của Croatia hành động kỳ cục như thế: họ quá chán ghét sự mục rỗng và thối nát của các quan chức trong Liên đoàn bóng đá. Họ muốn, bằng cách nào đó, nỗi nhục nhã đó phải được kết thúc, cho dù bằng phương thức cực đoan đến mức nào đi nữa!

Sân cỏ mù mịt khói lửa trong trận Croatia – Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh: The Mirror

Dường như, Euro 2016 không chỉ là nơi các CĐV trên khắp châu Âu đến xả stress, mà còn là nơi để lại những khó chịu ấm ức trong lòng bằng những màn đánh nhau, rượt đuổi, chửi rủa; và bên trong nó nhiều tổ chức chính trị đang tìm cách nhen nhóm “lửa”.

“Cảnh tượng rõ ràng là không thể tin được. Nhiều CĐV mang quốc tịch Hungary mặc toàn áo đen, xuất hiện và trình diễn phong cách phát xít”, một cảnh sát tham gia trấn áp đám phát xít mới nổi này phát biểu.

Trước đó, đã có 3 CĐV của Tây Ban Nha đã bị bắt khi cố gắng treo băng rôn cổ vũ chủ nghĩa phát xít. Chưa hết, theo giới chức Pháp, người cổ súy cho CĐV Nga đánh nhau, có thể thuộc tổ chức phát xít Nga.

Hình ảnh vô cùng sốc hàng của các CĐV Hungary - Ảnh: Daily Mail

Sau tất cả, chỉ tội cho các cầu thủ và cảnh sát Pháp. Luka Modric và các đồng đội không chỉ mất oan 1 chiến thắng, mà còn vừa đá vừa nơm nớp sợ sẽ bị UEFA đuổi về nước sau khi thấy CĐV của đội “chơi” quá vui trong trận gặp CH Czech.

Wayne Rooney vừa phải luyện tập cực lực cùng tuyển Anh còn phải chia ra thời gian thực hiện clip trấn an các holigan. Đồng cảnh ngộ là giới cảnh sát Pháp. Chưa bao giờ họ vất vả như thời điểm hiện tại, đã thế còn bị ghét thậm tệ. Trêu cảnh sát Pháp chính là một “thú vui tao nhã” khác của các CĐV quá khích tại Euro lần này.

Bình luận (0)

Thống kê
Lên đầu trang