Người ta thường bảo: “Một cánh én nhỏ, không làm nên mùa xuân”. Vậy mà, tiền đạo nhỏ bé (cao 1m76), 25 tuổi của chủ nhà đang chứng minh điều ngược lại, một mình anh vẫn có thể làm nên mùa xuân cho nước Pháp.
Một mình Griezmann chấp luôn tuyển Đức - Ảnh: Daily Mail
Đức – Họa vô đơn chí
Đã có rất nhiều lo lắng về vấn đề nhân sự của “xe tăng” Đức trước khi bước vào cuộc chiến với Pháp. Họ không chỉ mất nhiều cầu thủ chủ chốt vì chấn thương và thẻ phạt, mà mất mát đó còn rải đều ở cả 3 tuyến.
Trung vệ hay nhất Mats Hummels dính 2 thẻ vàng phải ngồi ngoài. “Máy quét” Sami Khedia chấn thương không thể ra sân. Đồng cảnh ngộ là tiền đạo cắm đích thực duy nhất của đội: Mario Gomez. Tuy nhiên, chẳng ai ngờ, hậu quả từ những sự thiếu vắng đó lại khốc liệt đến thế.
Hóa ra, không phải Hummels, chính sự vắng mặt của Gomez mới gây ra tác hại nghiêm trọng nhất cho tuyển Đức. Không anh, hàng công của “xe tăng” hoàn toàn vô hại. Người lĩnh xướng thay anh là Thomas Muller như bị ma ám.
Từ phút thứ 10 đến phút thứ 40, các học trò của HLV Joachim Loew đã ép người Pháp đến nghẹt thở. Nhưng, vì họ không có một cá nhân có thể gây sức ép tốt và chớp thời cơ giỏi như Gomez, bóng cứ trôi qua trôi về khung thành Hugo Lloris và… hết.
Với những khán giả trung lập xem trận đấu, chỉ có phép màu nhiệm mới giúp đội bóng màu lam không bị thủng lưới trong khoảng thời gian đó. Nếu Đức có thể cụ thể hóa được lợi thế của mình, có lẽ mọi chuyện đã khác.
Cái tay tai hại của Schweinsteiger - Ảnh: Daily Mail
Bastian Schweinsteiger chính là người thay Khedira trấn giữ khu vực trung tuyến của Đức. Tuy nhiên, trận cầu hôm đó là một thảm họa với cầu thủ này. Sai lầm ấu trĩ của anh ở thời gian bù giờ ở hiệp 1 khiến cả nước Đức sững sờ.
Hình ảnh trung vệ Boateng chơi bóng bằng tay lúc gặp Ý, để “xe tăng” phải trả giá bằng một bàn thua, vẫn còn ngập tràn trên các trang mạng xã hội, báo chí dưới hình thức… ảnh chế; thế mà một cầu thủ giàu kinh nghiệm như Schweinsteiger lại tiếp tục lặp lại “trò hề” đó. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Có thể nói, bàn thua lãng nhách ở cuối hiệp một đã khiến người Đức xuống tinh thần trông thấy.
Bước ngoặc thứ 2 của trận đấu: Boateng chấn thương - Ảnh: Daily Mail
Sang hiệp hai, trong khi đang cố gắng vùng lên gỡ hòa, tuyển Đức bị giáng một đòn chí tử nữa: Jerome Boateng, trung vệ trụ cột số 2 của đội - sau Hummels, bị đau không thể thi đấu. Trong suốt 62 phút có mặt trên sân, mặc dù bị Oliver Giroud vượt qua 1 lần, song Boateng đã phong tỏa rất tốt cặp “song sát” của tuyển Pháp.
Nhờ thể hình vượt trội và khả năng tì đè tốt, Boateng luôn luôn chiến thắng Griezmann lẫn Giroud trong những lần giao tranh. Chuyện “hòn đá tảng” còn lại không thể thi đấu, khiến Ozil và các đồng đội vô cùng hoang mang.
Và, với những gì diễn ra sau đó, chứng tỏ linh cảm của Ozil chính xác. Không Boateng, cặp đôi Griezmann – Giroud như chim sổ lồng. Việc tiền đạo của Atletico đã nhẹ nhàng ghi bàn nâng tỉ số lên 2-0 ở phút thứ 71 đã nói lên điều đó.
Pháp – Griezmann chấp hết
Nói một cách công bằng, dù thắng trận, song hôm qua là một màn trình diễn tệ của cả tuyển Pháp, trừ Griezmann. Sau vài phút hùng hổ đầu tiên, “Les Bleu” bắt đầu co vòi về phòng ngự, mặc “Cỗ xe tăng” dẫm đạp.
Mà vấn đề là, kể cả tổ chức phòng ngự, họ cũng không hề xuất sắc. Hậu vệ già nua Evra thường xuyên bỏ vị trí, để Kimmich hoạt động như chỗ không người ở cánh trái của tuyển Pháp. Ở cánh kia, Sagna cũng không hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, giúp Draxler tự do thoải mái hoạt động. Chưa nói, tuyến tiền vệ không phá bóng vào chân đối phương thì cũng làm mất bóng ngay phần sân nhà.
Phải sau phút 40, lúc thấy Đức đá mãi không vô, người Pháp mới có một chút can đảm bắt đầu tổ chức phản công. Trong một lần hiếm hoi lên tham gia tấn công, Evra đã khiến Schweinsteiger mắc sai lầm, tạo nên bước ngoặc của trận đấu.
Đá thành công quả penalty không phải là chuyện gì quá kinh thiên động địa. Nhưng, trong tình thế phải đôi mặt trước thủ thành tài năng nhất thế giới Neuer, nếu bản lĩnh không đủ, cầu thủ có thể đá hỏng penalty.
Ở Euro 2016 này, chuyện thực hiện phạt đền không thành công vốn không phải là điều gì quá lạ. May mà người Pháp còn biết giao cho Griezmann, một cánh én nhỏ nhưng đầy tài năng và bản lĩnh.
Bàn thắng thứ 2 của Griezmann dập tắt sự vùng vẫy của tuyển Đức - Ảnh: Daily Mail
Về lý thuyết, Griezmann là người đá cặp với Giroud. Nhưng, với thế trận yếu thế của Pháp, tiền đạo 25 tuổi chơi giống một tiền vệ sáng tạo hơn là tiền đạo. Anh chạy như con thoi khắp trên sân: cướp bóng phần sân nhà, tổ chức phản công, luân chuyển bóng, chạy chỗ, phối hợp, sút bóng,… không việc gì mà Griezmann không làm, nếu điều đó có lợi cho “Les Bleu”.
Những nỗ lực tuyệt vời của anh đã được đền bù xứng đáng bằng bàn thắng thứ hai, gần như dập tắt sự vùng vẫy, phản kháng của tuyển Đức. Với 6 bàn thắng và những pha trình diễn chói sáng từ Griezmann, Euro 2016 đã tìm ra “kỳ nhân” của mình.
Sa Mộc