Tuấn Anh có giỏi như lời đồn đại?

Thứ Ba, 01/12/2015 10:26  | Tường Lân

|

(CAO) Tiền vệ Nguyễn Tuấn Anh (Hoàng Anh Gia Lai) có thật sự giỏi như những gì giới mộ điệu đánh giá?

Quay lại thời điểm tháng 11-2012, giám đốc kĩ thuật của Arsenal là Steve Morrow đã gửi quyết định triệu tập 4 cầu thủ Học viện HAGL - Arsenal - JMG là Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Công Phượng, Lương Xuân Trường và Trần Hữu Đông Triều sang tập luyện tại London và thi đấu cọ xát cùng U17 Arsenal.

Sau khi kết thúc chuyến tập huấn, HLV Wenger đánh giá Tuấn Anh khá cao về chuyên môn. Chính “Vị giáo sư” đã ngỏ lời với Olympiacos để tiền vệ quê Thái Bình được sang Hy Lạp thử việc. Tuy nhiên, bầu trời như sụp đổ trước mắt Tuấn Anh khi cầu thủ này bị đứt dây chằng chéo trước đầu gối và lỡ hẹn với ngoặc lịch sử trong sự nghiệp.

Tuấn Anh (trắng) trong trận chung kết U21 Quốc tế

Sau khi bình phục chấn thương, Tuấn Anh trở lại trong màu áo U19 Việt Nam tham dự giải U19 Đông Nam Á 2013. Với tư cách thủ quân, cầu thủ sinh năm 1995 nhanh chóng chứng minh giá trị của mình với những pha xử lý bóng đẳng cấp và giàu tính nghệ thuật. Tại giải này, U19 Việt Nam vào đến chung kết và chỉ thất bại trước chủ nhà Indonesia với lối đá “chém đinh chặt sắt”. Năm đó, Tuấn Anh trở thành Cầu thủ xuất sắc nhất giải.

Chính từ giây phút ấy, NHM biết Nguyễn Tuấn Anh là ai và cầu thủ này dần chiếm trọn tình cảm của NHM nước nhà. Ưu điểm của Tuấn Anh tiếp tục được ghi nhận khi tiền vệ này giành danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất Giải U21 Quốc tế 2014, Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất Việt Nam 2014.

Năm 2015, lứa “gà son” của Bầu Đức lên chơi tại V-League và Tuấn Anh trở thành Cầu thủ xuất sắc nhất CLB HAGL khi mùa giải khép lại.

Nếu như Công Phượng được yêu mến bởi kỹ thuật khéo léo, những pha đi bóng rồi dứt điểm táo bạo; Xuân Trường ghi dấu với các đường chuyền vượt tuyến đạt độ chính xác cao; Đông Triều với những cú tắc bóng chính xác, hiệu quả... thì Tuấn Anh lại thể hiện mình ở vai trò cầm trịch, đánh chặn, thu hồi bóng, điều tiết lối chơi và tư duy đá bóng rất “người lớn”.

Hãy thôi nói nhiều về kỹ thuật siêu hạng và nền tảng thể lực của Tuấn Anh, vì tất cả hội tụ đầy đủ trong một câu nói của NHM dành cho tiền vệ này: “Muốn lấy bóng trong chân Tuấn Anh, chỉ có cách phạm lỗi”. Yếu tố then chốt giúp Tuấn Anh trở thành mắc xích quan trọng nhất của HAGL chính là tư duy về lối chơi và sự điềm tĩnh trong các pha xử lý.

Tuấn Anh âm thầm lùi sâu hỗ trợ phòng ngự

Lấy ví dụ trong trận chung kết U21 Quốc tế giữa U21 HAGL và U19 Hàn Quốc, nếu NHM chịu khó quan sát sẽ luôn nhìn thấy hai cầu thủ HAGL có mặt ở phần sân nhà để theo kèm tiền đạo đối thủ, dù 8 đồng đội khác đang dâng cao tham gia phạt góc. Đó không phải là một cặp trung vệ chơi thấp nhất trong sơ đồ chiến thuật của đội bóng Phố Núi - một trong hai chính là Tuấn Anh.

Bất kể việc các đồng đội đang hưng phấn vì dẫn bàn và ào lên tấn công, Tuấn Anh vẫn giữ được cái đầu lạnh và âm thầm lùi về hỗ trợ đồng đội ở phía sau để bảo vệ thành quả hoặc chí ít là hạn chế những đợt phản công của đối thủ. Việc này được Tuấn Anh lặp đi lặp lại trong suốt mùa giải V-League 2015 vừa qua. Chỉ như vậy thôi cũng đủ để thấy tư duy của cầu thủ quê Thái Bình khác với cái tuổi 20 của mình như thế nào.

Sự vòng vo cũng chỉ để chứng minh một điều, Tuấn Anh đã vượt cái ngưỡng xuất sắc như những lời đồn đại để trở nên hoàn hảo trong con mắt của NHM về chuyên môn lẫn tư duy chơi bóng. Và nếu cầu thủ sinh năm 1995 này thật sự “trẻ người non dạ” như những gì các Antifan nói thì CLB Yokohama của J-League 2 (Nhật Bản) đã chẳng năm lần bảy lượt sang Việt Nam để hỏi mượn tiền vệ này.

Trong một diễn biến khác liên quan đến Tuấn Anh, cầu thủ này đã có mặt tại Nhật Bản để chuẩn bị tập luyện cùng các đồng đội mới. Ngày 7-12, tiền vệ quê Thái Bình sẽ ra mắt NHM Yokohama thi đấu trận giao hữu với CLB chuyên nghiệp Auckland City (New Zealand).

Bình luận (0)

Thống kê
Lên đầu trang