Nhân dịp này, chúng ta hãy cùng điểm lại những gương mặt VĐV trẻ tài năng đã góp phần làm nên kỳ tích cho thể thao Việt Nam (TTVN) cũng như triển vọng trong tương lai.
VĐV Bơi lội Nguyễn Hữu Kim Sơn
Trước khi “bước ra ánh sáng” SEA Games 2017, Nguyễn Hữu Kim Sơn vẫn là cái tên xa lạ. Nhắc đến VĐV sinh năm 2002 này, báo chí Việt Nam nhớ ngay đến những tranh cãi của “người lớn” khi em đi khỏi đơn vị chủ quản TPHCM hai năm trước, hay cuộc đấu tuyển chọn VĐV dự 1.500m tự do lạ lùng do Đội tuyển bơi Việt Nam thực hiện ngay trước thềm SEA Games 2017.
Việc bị loại khỏi nội dung 1.500m tự do sau đó tưởng chừng như bóp nghẹt ý chí của cậu bé 15 tuổi khi Kim Sơn bị đẩy sang nội dung 400m hỗn hợp. Bởi Sơn được biết đến với sở trường ở nội dung 1.500m tự do. Tại Giải vô địch thế giới ở Hungary tháng 7-2017 trước thềm SEA Games, Kim Sơn dù chỉ xếp hạng 30/37 VĐV tranh tài nhưng đạt thành tích 15 phút 29 giây 90, vượt qua kỷ lục mà đàn anh Lâm Quang Nhật lập được ở SEA Games 2015. Đây cũng là lý do mà “người lớn” bắt Kim Sơn đấu với hai đàn anh.
Nhưng sang nội dung 400m hỗn hợp lại là bước ngoặt giúp Kim Sơn lập chiến tích tại SEA Games 29. Từ phận “người thừa”, Kim Sơn giành HCV 400m hỗn hợp với thành tích 4 phút 22 giây 12, xô ngã kỷ lục SEA Games của kình ngư Thái Lan Ratapong Sirisanont (4 phút 23 giây 20) lập năm 2003.
Thật khó tin, nhà vô địch SEA Games chưa một lần được tập huấn dài hạn. Kim Sơn chỉ chăm chỉ tập luyện theo giáo án của HLV Đặng Anh Tuấn gửi về từ Mỹ và tiến bộ vượt bậc. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của cậu bé chỉ là 17 ngày tập ở Hungary dưới sự dẫn dắt của thầy Đặng Anh Tuấn, khi đến sớm để dự Giải vô địch thế giới 2017. Vì thế khi đã giành HCV SEA Games, Kim Sơn chỉ ước mơ “được đi Mỹ tập huấn để bước chân vào đấu trường thế giới, Olympic như chị Ánh Viên. Đó là mục tiêu rất khó khăn với một VĐV Việt Nam, nhưng em sẽ cố gắng từng bước một”, Kim Sơn thổ lộ.
VĐV Điền kinh Lê Tú Chinh
Sinh năm 1997, Tú Chinh sớm mồ côi mẹ từ khi mới 6 tuổi. Ông Lê Thành Nhân cứ cặm cụi kiếm tiền nuôi con ăn học. Cho tới khi lọt vào “mắt xanh” HLV Nguyễn Thị Thanh Hương, Tú Chinh vẫn là một cô bé “cao, gầy, loắt choắt”, nhưng rất nhanh nhẹn. Đây là ấn tượng của bà Hương khi bắt gặp Lê Tú Chinh ở Trường Tiểu học Tuy Lý Vương (Q8, TPHCM) trong khi tìm kiếm tài năng cho điền kinh thành phố. Từ đó tới nay, cô và trò cứ gắn bó với nhau, lầm lũi qua hết gian khó này tới vất vả khác, rồi chạm đến đỉnh vinh quang.
Tú Chinh chỉ được biết tới sau tấm HCV cự ly 200m tại Giải điền kinh trẻ châu Á 2016 tổ chức tại TPHCM. Nhưng sau đó, cô khiến giới chuyên môn và truyền thông liên tục nhắc tên khi liên tiếp đoạt danh hiệu mới ở một loạt giải đấu khác. Trong số này gồm trọn bộ 4 HCV cự ly ngắn tại Giải VĐQG, HCĐ cự ly 100m ở Grand Prix và 2 HCV (100m, 200m) ở Giải Thái Lan mở rộng 2017. Thành tích chạy 100m ở Giải Thái Lan mở rộng, tổ chức trước thềm SEA Games 29 của Tú Chinh là 11 giây 47, vượt qua thành tích đoạt được HCV SEA Games 28 của Kayla Richardson (Philippines, 11 giây 76). Đây chính là cơ sở để giới điền kinh đặt niềm tin, Chinh sẽ đoạt vàng tại SEA Games 29.
Và mọi thứ đã diễn ra đúng dự đoán, thậm chí vượt cả mong đợi. Cô gái mới 20 tuổi lần lượt chinh phục 2 HCV các cự ly 100m và 200m nữ. Tính luôn cả HCV ở nội dung chạy tiếp sức 4x100m nữ, Lê Tú Chinh giành đến 3 HCV tại kỳ SEA Games đầu tiên tham dự. Cô được xem là “nữ hoàng tốc độ” mới của Việt Nam, thay thế đàn chị Vũ Thị Hương, với sứ mệnh đưa điền kinh Việt Nam vươn tầm châu lục.
VĐV Cờ vua Nguyễn Anh Khôi
Anh Khôi đến với cờ vua rất tình cờ. Khi mới học lớp 2, em rất mê game. Sợ con sa đà, nghiện game, gia đình đã đăng ký cho cậu bé học cờ vua tại Trung tâm Thể thao Tân Bình và không ngờ con mình có năng khiếu thiên bẩm. Chỉ sau một năm “học cho vui”, Anh Khôi đã vô địch giải năng khiếu trọng điểm và HCV U-7 toàn quốc tại Đồng Tháp. Từ đó, Khôi là gương mặt thân quen trên bục vô địch ở các giải trẻ trong nước lẫn khu vực.
Cột mốc ấn tượng nhất với Khôi vào năm 2012 khi em đoạt chức vô địch U-10 thế giới cờ tiêu chuẩn tại Giải vô địch cờ vua trẻ thế giới diễn ra ở Slovenia với 11 ván toàn thắng. Hai năm sau, Anh Khôi vô địch U-12 thế giới cờ tiêu chuẩn tại Giải cờ vua trẻ thế giới diễn ra tại Nam Phi. Năm 2015, Khôi vượt qua rất nhiều đối thủ mạnh để vô địch cờ tiêu chuẩn Giải cờ vua vô địch Đông Nam Á. Anh Khôi (lúc đó 13 tuổi) là người trẻ nhất trong lịch sử đoạt được danh hiệu này. Tại Giải vô địch cờ nhanh và cờ chớp trẻ thế giới mới đây, Anh Khôi giành chức vô địch cả 2 nội dung cờ nhanh và cờ chớp lứa tuổi U-16. Khôi là kỳ thủ Việt Nam đầu tiên trong lịch sử giành được 4 HCV các giải trẻ cấp thế giới.
Anh Khôi hiện đã là kiện tướng quốc tế (IM) với elo cờ tiêu chuẩn 2.442 và tập luyện dưới sự hướng dẫn của HLV Đào Thiên Hải. Nhưng để vươn tầm thế giới, Anh Khôi được khuyến khích tập luyện với thầy ngoại. Gia đình từng muốn mời thầy ngoại cho kỳ thủ 15 tuổi, nhưng vấn đề chỉ được giải quyết khi có nhà tài trợ. Theo hợp đồng kéo dài chín quý (từ 2016 đến 2018), Anh Khôi nhận gói đầu tư phát triển trị giá 1,5 tỷ đồng.
Mục tiêu đạt chuẩn đại kiện tướng (elo 2.500 trở lên) năm 2018 chỉ là bước đầu trong hành trình trở thành kỳ thủ chuyên nghiệp đầy gian khổ của Nguyễn Anh Khôi. Nếu không được đầu tư mạnh để nâng cao khả năng chơi cờ, các kỳ thủ sẽ dễ bị “chôn chân” ở ngưỡng đại kiện tướng và rất khó để vươn lên ngưỡng siêu đại kiện tướng (elo trên 2.699). Việt Nam từng có nhiều thần đồng cờ vua nhưng chỉ có duy nhất Quang Liêm trở thành siêu đại kiện tướng.
VĐV Cử tạ Trịnh Văn Vinh
2017 là năm rất thành công của lực sĩ trẻ Trịnh Văn Vinh. Lần đầu tham dự SEA Games, Indoor Games rồi tới Giải vô địch thế giới, Văn Vinh đều giành HCV ở hạng cân 62kg. Nhưng thành công càng trở nên ấn tượng khi ít người biết Vinh từng phải trải qua những cơn đau dai dẳng vì chấn thương.
Văn Vinh tiết lộ, lực sĩ đàn anh Hoàng Anh Tuấn là người truyền cảm hứng để anh phấn đấu trong sự nghiệp. “Năm 2008, em xem anh Hoàng Anh Tuấn thi đấu tại Olympic Bắc Kinh. Sau đó em mới biết nhà anh Tuấn gần nhà em, rồi thầy Nguyễn Văn Quyết về tuyển, thế là em theo và được tập luyện đúng nơi mà anh Tuấn từng tập”, VĐV sinh năm 1995 chia sẻ.
Sau một thời gian, với sự tiến bộ không ngừng, Văn Vinh được tuyển vào thi đấu dưới màu áo Công an Nhân dân. Rồi Vinh mang về chiếc HCV cử đẩy với mức tạ 158kg tại Giải cử tạ châu Á - vòng loại Olympic 2016, diễn ra tại Uzbekistan. Đó là thành tích tốt nhất của chàng trai Bắc Ninh trước khi đến với kỳ SEA Games đầu tiên trên đất Malaysia.
Thế nhưng, Vinh đã tạo nên cơn địa chấn khi vượt qua á quân Olympic 2016, Eko Yuli Irawan (Indonesia) để lấy HCV SEA Games. Tại Giải vô địch thế giới vừa diễn ra tại Mỹ, Vinh đã giành HCV cử giật với mức tạ 136kg (vượt qua thành tích giành HCV SEA Games 2017 đúng 1kg). Do tính toán chủ quan ở phần thi cử đẩy với mức tạ khởi điểm 168kg cao nhất so với các đối thủ và thất bại, rồi sau đó điều chỉnh xuống 165, 166kg ở hai lần thi cuối nhưng cũng thực hiện không thành công, nên Vinh không được xếp hạng ở tổng cử. Dù vậy, với 1 tấm HCV ở nội dung cử giật cũng đã giúp Văn Vinh lần đầu tiên đứng đầu thế giới.
Tạo nên đột phá với mức tổng cử tăng tới 17kg chỉ trong vòng một năm, hiện tại, Văn Vinh rất tự tin để chinh phục thêm những cột mốc mới trong sự nghiệp. Vinh cho biết muốn giành vé dự Olympic 2020 và đổi màu huy chương cho cử tạ Việt Nam.
VĐV Bóng chuyền Trần Thị Thanh Thúy
Đúng 7 năm trước, trong đợt tổng tuyển sinh VĐV năng khiếu của Đội bóng chuyền nữ VTV Bình Điền Long An diễn ra tại Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia 2 – Thủ Đức, khi đó Thúy trở thành một hiện tượng mới 13 tuổi (sinh năm 1997) nhưng cao đến 1,78m. Gia nhập lò đào tạo trẻ hàng đầu Việt Nam là Bình Điền Long An, Thanh Thúy đã có những bước tiến vượt bậc cả trong chuyên môn lẫn sự nghiệp khi cô gái có chiều cao 1m90 trở thành chủ công xuất sắc nhất ở lứa tuổi U-23 châu Á.
Sau Ngọc Hoa, cái tên Thanh Thúy có lẽ nhận được nhiều sự chú ý nhất trong làng bóng chuyền nữ nước nhà. Năm 2016 đánh dấu bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của Thanh Thúy khi em là VĐV trẻ nhất của bóng chuyền Việt Nam được ra nước ngoài thi đấu và cùng CLB Bangkok Glass bảo vệ thành công chức VĐQG Thái Lan, một trong bốn giải bóng chuyền VĐQG hàng đầu châu lục. Với phong độ ấn tượng cùng nỗ lực không ngừng của bản thân, Thanh Thúy được tin tưởng giữ vai trò Đội trưởng của Đội tuyển U-23 Việt Nam tham dự Giải bóng chuyền vô địch U-23 châu Á.
Thanh Thúy càng thi đấu càng chững chạc khi luôn là VĐV chơi nổi bật nhất của Đội tuyển U-23 Việt Nam. Nói không quá, Thúy chính là một nửa sức mạnh mang về tấm HCĐ đầu tiên ở cấp châu lục cho bóng chuyền Việt Nam. Với 111 điểm ghi được qua 7 trận đấu, Thanh Thúy đã xuất sắc nhận danh hiệu chủ công xuất sắc nhất tại giải đấu châu Á, một cột mốc đặc biệt khác trong sự nghiệp bóng chuyền của Thúy. Ở tuổi 20, cùng sự nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân, Trần Thị Thanh Thúy sẽ là một trong những chủ công xuất sắc nhất trong lịch sử bóng chuyền Việt Nam.
Lê Tuấn – Trúc Phương