Rà soát lực lượng nòng cốt tham dự giải vô địch cử tạ 2015

Chủ Nhật, 09/08/2015 15:28  | Khánh Đức

|

(CAO) Ngày 12-8, giải vô địch cử tạ 2015 sẽ diễn ra tại nhà thi đấu Phú Thọ (TP.HCM) với sự tham dự của 124 VĐV đến từ 21 tỉnh, thành có phong trào cử tạ phát triển trên toàn quốc.

Giải đấu này sẽ xác định các VĐV hàng đầu tham dự Giải vô địch thế giới diễn ra tại Mỹ vào tháng 11 – giải đấu quan trọng nhất để cử tạ VN hướng đến mục tiêu giành vé tới Olympic 2016 tại Brazil.

Tại mùa giải 2014, Việt Nam đang xếp hạng 20 thế giới. Nếu tại giải năm nay chúng ta vẫn duy trì được thứ hạng này, đồng nghĩa với việc chúng ta có 3 suất tới Brazil.

VĐV cử tạ Thạch Kim Tuấn - Ảnh minh họa

“Lần trước 6 VĐV thi đấu nhưng chỉ có hai “gà nòi” có điểm là Thạch Kim Tuấn (hạng 2 - 25 điểm) và Trần Lê Quốc Toàn (hạng 5 - 22 điểm), chúng ta đã đứng thứ 20 thế giới với 47 điểm. Ở giải năm nay, Ban huấn luyện sẽ phải cân nhắc trong việc chọn VĐV thi đấu để duy trì thứ hạng trong bảng tổng sắp thế giới”, HLV Huỳnh Hữu Chí cho biết.

Đây là thách thức vô cùng lớn cho thầy trò Đội tuyển cử tạ VN, bởi mình tiến bộ thì các đối thủ cũng tiến bộ, thậm chí vượt bậc do họ có khả năng kinh tế hơn chúng ta. Như vậy, trong cuộc đua tranh khốc liệt này không chỉ dựa vào thực lực của học trò mà đòi hỏi Ban huấn luyện Đội tuyển quốc gia phải có được chiến thuật sắc bén.

Nhìn vào thành tích của các VĐV hàng đầu hiện nay, Thạch Kim Tuấn (HCV Olympic trẻ 2000; HCV, HCB, HCĐ trẻ thế giới, HCB ASIAD 17); Nguyễn Trần Anh Tuấn ( HCB Olympic trẻ 2014); Trần Lê Quốc Toàn ( HCV Đông Nam Á 2015)… con đường đến Brazil vào mùa hè năm sau của cử tạ VN tương đối thuận lợi. Chính vì thế, nếu giành được vé đến Brazil ở Giải vô địch thế giới tại Mỹ nhiều khả năng Đội tuyển cử tạ VN sẽ tập huấn ngay tại quốc gia này.

VĐV cử tạ Trần Lê Quốc Toàn - Ảnh minh họa

Lâu nay, Cử tạ VN thường chọn Bungary hoặc Hungary “luyện quân” trước mỗi sự kiện quan trọng, nhưng lần này sẽ là Mỹ. HLV Huỳnh Hữu Chí lý giải: “Mỹ không phải là đối thủ chính của chúng ta, vì cử tạ của họ không mạnh. Khi chúng ta đặt vấn đề tập huấn tại đây, họ đã đón tiếp nồng hậu. Trong quá trình tập luyện nếu chẳng may VĐV dính chân thương thì sẽ thuận lợi trong việc chữa trị ở những cơ sở y tế hàng đầu thế giới. Tại xứ sở cờ hoa, VĐV sẽ tìm được nguồn dinh dưỡng phù hợp. Quan trọng nhất là khí hậu Mỹ gần giống Brazil, nơi diễn ra Olympic 2016. VĐV sẽ được làm quen với múi giờ rất sớm, là một yếu tố góp phần nâng cao thành tích”.

Tất nhiên chi phí sẽ cao hơn khi tập huấn ở châu Âu. Lâu nay, do kinh phí hạn hẹp nên VĐV VN ít được làm quen với khí hậu của nước chủ nhà trước khi giải diễn ra, do sát ngày thi đấu họ mới lên đường, đó là một thiệt thòi rất lớn.

VĐV Nguyễn Trần Anh Tuấn - Ảnh minh họa

Hiện nay, cử tạ là một trong những môn được đầu tư trọng điểm (có 3 trong 48 VĐV hàng đầu được đầu tư trọng điểm cho Olympic 2016 và ASIAD 18), để thực hiện hóa mục tiêu của ngành thế thao là có từ 1- 2 huy chương ở Olympic. Trường hợp của kình ngư Ánh Viên ở môn bơi lội là một minh chứng, muốn nâng cao thành tích thì phải chi kinh phí “khủng” để tập huấn ở các trung tâm thể thao hàng đầu thế giới.

Cử tạ VN mạnh nhất ở hạng cân 56kg, là hạng cân mà VĐV Hoàng Anh Tuấn đã giành HCB Olympic Bắc Kinh 2008. Tuy nhiên, đây là hạng cân có đến ½ là VĐV châu Á , trong đó có Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên – hai cường quốc về cử tạ thế giới nên sàn đấu này sẽ vô cùng khốc liệt. So với một trong các đối thủ tranh chấp trực tiếp đến từ Triều Tiên, lực sĩ Thạch Kim Tuấn thua về cử đẩy nhưng lại mạnh hơn về cử giật. Vì vậy muốn giành được huy chương, từ nay cho đến khi tới được Brazil, Thạch Kim Tuấn phải phấn đấu hơn nữa không riêng về cử giật…

Có mặt ở đấu trường lớn nhất hành tinh và giành được huy chương là vinh dự và mơ ước của bất kỳ VĐV nào. Với các lực sĩ VN để thực hiện từng bước giấc mơ này, họ sẽ phải nỗ lực ngay từ giải trong nước…

Ở các môn thể thao khác, việc xác định VĐV có mặt ở Olympic sẽ dựa vào thành tích của cá nhân VĐV đó. Riêng môn cử tạ phải thi hai vòng ở hai giải thế giới liên tiếp trước kỳ Olympic diễn ra: BTC Olympic sẽ dựa vào thành tích đồng đội (lấy từ hạng 1- 24 thế giới) để xác định số lượng suất của mỗi quốc gia; nếu không giành được suất, các VĐV vẫn còn cơ hội thứ hai tại giải đấu của mỗi châu lục (lấy từ hạng 1-15 cá nhân).

Nếu giành được suất ở Giải vô địch thế giới thì chúng ta có quyền chọn hạng cân mạnh nhất tham dự Olympic. Ngược lại, khi giành suất ở châu lục thì sẽ tính vé cho đích danh VĐV đạt thành tích.

Bình luận (0)

Thống kê
Lên đầu trang