(CAO) HLV Kiatisuk cùng các học trò đã không thể hiện thực hóa mục tiêu lọt vào top 3 tại vòng chung kết U23 châu Á năm nay khi chỉ giành được 1 điểm trước U23 Triều Tiên ở lượt trận cuối cùng bảng B và đành dừng chân ngay từ vòng bảng.
Thực tế, mặc dù để thua đậm U23 Nhật Bản ở lượt trận thứ hai nhưng cơ hội đi tiếp của U23 Thái Lan trước trận với U23 Triều Tiên vẫn rất sáng sủa nếu thầy trò Kiatisuk đánh bại đối thủ đến từ Đông Á (ở vòng loại U23 Thái Lan đã cầm hòa U23 Triều Tiên 0-0) đồng thời U23 Saudi Arabia không thể đánh bại đội nhất bảng U23 Nhật Bản (điều rất dễ xảy ra).
Sau khi hai trận đấu cuối của bảng B kết thúc, điều kiện đủ là U23 Saudi Arabia không thể đánh bại U23 Nhật Bản đã có. Tuy nhiên, điều kiện cần lại không thể xảy ra khi U23 Thái Lan chỉ có được hòa 2-2 trước U23 Triều Tiên.
Trái ngược với mọi dự đoán trước trận về một trận cầu quyết liệt giữa “kẻ tám lạng, người nửa cân”, thực tế diễn biến trên sân chứng kiến sự áp đảo hoàn toàn của U23 Triều Tiên. Hai bàn thắng ghi được do công Yonil Kim ( phút 17) và Il-Gwang Yun thậm chí còn là ít so với số cơ hội mà đội bóng này tạo ra.
Còn với U23 Thái Lan, hai bàn thắng mang đậm màu sắc may mắn và dấu ấn cá nhân của Weerawatnodom và Chanathip chẳng thế che giấu được một trần cầu thi đấu dưới sức của Kiatisuk và các học trò khi họ đã tự tạo ra áp lực quá lớn cho mình trước trận đấu.
Huấn luyện viên Kiatisuk
Với trận hòa này, U23 Thái Lan tuy có cùng 2 điểm như U23 Triều Tiên và U23 Saudi Arabia nhưng đành chịu xếp chót bảng do phải chịu trận thua đậm nhất trước U23 Nhật Bản so với hai đối thủ còn lại. Trong khi tấm vé còn lại của bảng đấu nối bước U23 Nhật bản vào tứ kết thuộc về U23 Triều Tiên nhờ hơn U23 Saudi Arabia về chỉ số phụ.
Trước U23 Thái Lan, đại diện còn lại của Đông Nam Á là U23 Việt Nam cũng sớm dừng bước sau hai trận toàn thua ở bảng D. Rõ ràng, dù đã và đang có những bước tiến nhất định song bóng đá Đông Nam Á vẫn còn cần cố gắng rất nhiều để có mong có thể tạo được tiếng vang ở các sân chơi cấp châu lục.
Phan Ngọc