Bóng bàn với nỗi buồn mang tên... kinh phí

Thứ Hai, 24/10/2022 09:22

|

(CATP) So với một số môn thể thao khác, từ đầu năm 2022 đến nay, ngoài lần được tranh tài tại SEA Games 31 tổ chức trên sân nhà cùng với Giải vô địch Đông Nam Á diễn ra hồi tháng 5 ở Thái Lan, VĐV các đội tuyển bóng bàn Việt Nam không có cơ hội góp mặt tại các giải đấu quốc tế. Bên cạnh lý do dịch Covid-19, kinh phí hạn hẹp là "bài ca" muôn thuở của ngành thể thao.

19 năm chờ huy chương vàng

Cách đây 19 năm, cụ thể là ở SEA Games 22 diễn ra tại thủ đô Hà Nội vào năm 2003, trong trận chung kết nội dung đơn nam môn bóng bàn, tay vợt Trần Tuấn Quỳnh xuất sắc giành tấm huy chương vàng (HCV) khi đánh bại đối thủ Thái Lan - Phakphoom Sanguansin để lập cột mốc lần đầu tiên trong lịch sử. Tay vợt chủ lực của đội tuyển bóng bàn Hà Nội lên đỉnh SEA Games ở tuổi 20 nên người hâm mộ kỳ vọng anh sẽ tiếp tục tỏa sáng giúp môn bóng bàn nước nhà duy trì thành tích cũng như vị thế ở sân chơi khu vực. Song Tuấn Quỳnh không giữ được phong độ ở nội dung cá nhân.

Kể từ đó, bóng bàn Việt Nam vẫn miệt mài trông đợi chiếc HCV đơn nam tiếp theo tại đại hội thể thao mang tầm khu vực nhưng đều thất bại, mặc dù bộ môn này xuất hiện không ít tài năng như Lê Tiến Đạt, Nguyễn Anh Tú, Nguyễn Đức Tuân... Còn nhớ ở kỳ SEA Games 30 trên đất Philippines, Nguyễn Anh Tú là niềm hy vọng sẽ tái lập chiến tích của đàn anh Tuấn Quỳnh. Bởi trước đó, tay vợt sinh năm 1993 từng vô địch Đông Nam Á vào năm 2016 ở nội dung đơn, được tổ chức tại Indonesia và đoạt 2 tấm HCV nội dung đồng đội tại các kỳ SEA Games trước.

Trái với mong đợi, VĐV quê Hà Nội đã sớm phải dừng bước ngay ở vòng bảng sau khi để thua tay vợt Gonzales của nước chủ nhà. Nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên do Anh Tú thất bại vì thiếu sự kiên trì, bản lĩnh của một tay vợt dày dạn. Thực tế, lão tướng Richard Gonzales (sinh năm 1971) có lối chơi khó chịu bằng những pha cắt bóng khá dị khiến đối phương khó hóa giải. Vậy là một kỳ SEA Games nữa đi qua, không có VĐV nào của đất nước hình chữ "S" vinh dự bước lên bục cao nhất để nhận tấm HCV nội dung cá nhân môn bóng bàn.

Mãi đến SEA Games 31 tổ chức trên sân nhà, tay vợt kỳ cựu Phakphoom Sanguansin tiếp tục vượt qua các đối thủ, trong đó có Nguyễn Anh Tú, để góp mặt trong trận chung kết. Lần này, VĐV xứ Chùa Vàng chạm trán với Nguyễn Đức Tuân. Tuy không còn được sự nhanh nhẹn như 20 năm về trước, nhưng kinh nghiệm trận mạc giúp Phakphoom Sanguansin phán đoán bóng cực kỳ tốt, có thể lật ngược tình thế bất cứ lúc nào. Song được sự cổ vũ cuồng nhiệt của khán giả quê hương, tay vợt người Hải Dương tự tin "quật ngã” Phakphoom Sanguansin với tỉ số đậm để giành tấm huy chương danh giá sau 19 năm chờ đợi.

Trần Tuấn Quỳnh giành HCV tại SEA Games 22

Thiếu cọ xát vì...

Cuối tháng 9 vừa qua, đội tuyển bóng bàn quốc gia (ĐTBBQG) Việt Nam không dự Giải vô địch Bóng bàn thế giới diễn ra tại Thành Đô (Trung Quốc). Người có trách nhiệm giải thích nguyên do là vì dịch Covid-19 ở Trung Quốc vẫn phức tạp nên thủ tục cử VĐV tới thi đấu gặp khó khăn. Ngoài ra, kinh phí của liên đoàn và bộ môn bóng bàn còn hạn hẹp. Dự kiến, ĐTBBQG sẽ dự một giải quốc tế tại Mỹ vào tháng 12 tới bằng nguồn kinh phí xã hội hóa.

Nếu kế hoạch này khả thi thì đây là tín hiệu đáng mừng cho các VĐV. Tuy nhiên, việc được dự một giải quốc tế trong một năm vẫn quá ít so với yêu cầu nâng cao trình độ. Thiếu cọ xát ở sân chơi quốc tế, các giải đấu quốc nội cũng thưa thớt, nghèo nàn. Sau SEA Games, chỉ một số địa phương, đơn vị đứng ra tổ chức một vài giải ở quy mô khu vực như Giải Bóng bàn quốc gia Báo Nhân Dân diễn ra ở Đắk Lắk, Giải Bóng bàn các đội mạnh quốc gia 2022 do Đồng Nai đăng cai. Ngoài Đại hội thể thao toàn quốc tổ chức vào cuối năm, các VĐV hy vọng vào Giải Bóng bàn quốc tế "Cây vợt vàng năm 2022" tại TPHCM nhưng hiện giờ vẫn chưa chắc chắn.

19 năm sau Nguyễn Đức Tuân mới tái lập thành tích

Cùng cảnh ngộ như ĐTBBQG, đội tuyển trẻ quốc gia (ĐTTQG) cũng không được dự giải quốc tế nào từ đầu năm 2022. Cách đây không lâu, ĐTTQG có cơ hội tham dự Giải vô địch Bóng bàn trẻ Đông Nam Á (ĐNA) tại Thái Lan nhưng cũng bất thành. Theo người trong cuộc giải thích do dịch bệnh. Việc không dự giải này khiến đội tuyển mất cơ hội dự Giải vô địch Bóng bàn trẻ, thiếu niên châu Á - 2022 diễn ra tại Lào vào đầu tháng 9 vừa rồi dành cho lứa tuổi U15 và U19. Bởi theo quy định, các đội tuyển và VĐV phải giành thứ hạng nhất định tại giải trẻ ĐNA. Vớt vát cho các lứa U, tháng 11 tới, đội tuyển có chuyến thi đấu tại Hungary bằng nguồn kinh phí nhà nước.

Thực tế, đất nước ta còn nghèo nên ngân sách dành cho thể thao có giới hạn, chỉ đáp ứng yêu cầu thi đấu một số giải quốc tế. Để góp phần khắc phục phần nào khó khăn, nhiều ý kiến cho rằng trong thời gian tới, bộ môn nên chủ động phối hợp với các địa phương trong việc đưa VĐV trọng điểm tham gia các giải đấu, tập huấn ở nước ngoài. Đây là điều khả thi khi một số địa phương vẫn có đủ nguồn lực kinh phí. Vấn đề là phía Tổng cục TDTT chủ động tạo cơ chế, hỗ trợ tối đa thủ tục để các địa phương dễ dàng triển khai. Tuy nhiên, để làm được điều này, bóng bàn Việt Nam cần những người có tâm huyết.

Bình luận (0)

Thống kê
Lên đầu trang