Những câu chuyện ít biết về tiền đạo lừng danh một thời - Trần Minh Chiến

Thứ Ba, 09/08/2016 08:32

|

(CAO) Đến thời điểm hiện tại, đã 20 năm trôi qua, kể từ SEA Games 18 (1995), hầu hết những người yêu bóng đá Việt Nam vẫn nhớ cú vô lê tuyệt đẹp của tiền đạo Trần Minh Chiến đưa đội tuyển Việt Nam vào chung kết môn bóng đá của đại hội.

Trần Minh Chiến sinh năm 1974, tại Sài Gòn là cầu thủ trong đội tuyển Việt Nam, cùng thời với Trần Công Minh, Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hồng Sơn. Anh lớn lên trong một gia đình có truyền thống bóng đá. Anh trai ruột Trần Minh Huy từng là tiền đạo số 1 đội Hải Quan và tuyển TP.HCM vào thập niên 80 - 90 của thế kỷ trước.

Tuổi thơ gắn liền với sân cỏ

Năm 13 tuổi, anh đoạt giải ba cuộc thi năng khiếu bóng đá Thành phố Hồ Chí Minh dành cho vận động viên tuổi 15. Năm 14 tuổi, anh được nhận vào trường Năng khiếu Nghiệp vụ Thành phố Hồ Chí Minh, sớm hơn hai năm so với chuẩn thông thường. Năm 1991, Trần Minh Chiến ra trường và chuyển về thi đấu cho đội Công an Thành phố Hồ Chí Minh. Sau 2 năm, Trần Minh Chiến cùng đội Công an Thành phố Hồ Chí Minh đoạt ngôi á quân giải vô địch quốc gia. Một năm sau đó, anh có chức vô địch quốc gia, đồng thời giành luôn các danh hiệu vua phá lưới với 14 bàn thắng và cầu thủ trẻ xuất sắc nhất giải.

Tiền đạo Trần Minh Chiến (CA TP.HCM). Anh nổi tiếng với những cú xử lý bóng bằng đầu, bằng má ngoài, bằng xỉa bóng hay sút bóng

Ở tuổi 21, Minh Chiến bắt đầu được gọi vào đội tuyển Việt Nam từ giải đấu Cúp Độc Lập năm 1995. Sau đó, anh cùng toàn bộ đội tuyển đã đi tập huấn dài ngày ở Đức cùng huấn luyện viên Weigang.

Cuối năm 1995, Trần Minh Chiến cùng đội tuyển quốc gia Việt Nam giành huy chương bạc SEA Games 18. Bàn thắng vàng của anh vào lưới Myanmar đã giúp Việt Nam có mặt ở trận chung kết.

Tiền đạo Trần Minh Chiến, người luôn để lại dấu ấn trong lòng người hâm mộ với nụ cười rạng rỡ thường trực trên khuôn mặt

 Tài năng được vinh danh và cay đắng đầy uất ức

Sau một thời gian dài mong đợi, đội tuyển bóng đá Việt Nam cuối cùng đã có mặt ở trận chung kết SEA Games 18-1995 tại Chiang Mai (Thái Lan), bằng bàn thắng vàng của tiền đạo Trần Minh Chiến ở phút thứ 5 của hiệp phụ thứ 1, trong trận bán kết gặp Myanmar.

Bàn thắng ấy của Minh Chiến đúng là “vàng” thật sự, vì ngoài việc giúp đội tuyển Việt Nam lần đầu có mặt ở trận chung kết, sau khi tái hòa nhập đấu trường SEA Games vào năm 1989, nó còn là bước ngoặt để bóng đá Việt vươn lên Top 3 Đông Nam Á cho đến thời điểm hiện nay.

Các cầu thủ Việt Nam tại Sea Games 18

 Bàn thắng vàng của Minh Chiến năm ấy khiến hàng triệu người hâm mộ Việt Nam đổ xuống đường reo mừng, và đó là một ký ức không bao giờ phai trong lòng những phóng viên thể thao như chúng tôi, dù sau này bóng đá Việt Nam thêm rất nhiều lần xuống đường mừng những trận thắng như thế. Trận bán kết với Myanmar ấy ở kỳ SEA Games 18-1995 là một vết son không thể quên trong sự nghiệp quần đùi áo số của Trần Minh Chiến.

Thế nhưng ở đời, vinh quang luôn đi kèm với sự nghiệt ngã. Sự nghiệp của Minh Chiến bị gián đoạn và nhanh chóng kết thúc vì những chấn thương dai dẳng. Tại SEA Games 18, trong trận đấu với Campuchia ở vòng bảng, mặc dù ghi được bàn thắng nhưng Minh Chiến dính phải chấn thương sau nhiều pha vào bóng thô bạo của đối phương. Do đó, anh chỉ có thể vào sân từ ghế dự bị trong trận đấu bán kết với Myanmar khi chấn thương chưa lành hẳn. Tuy nhiên, với đôi chân vẫn còn phải băng trắng vì đứt dây chằng gối, Minh Chiến đã tung cú vô lê sau đường tạt bóng của Hồng Sơn ghi bàn thắng quyết định cho đội tuyển Việt Nam. Anh không kịp bình phục cho trận chung kết sau đó.

Minh Chiến nhớ lại: “Trước thềm Tiger Cup 1996, đội tuyển Việt Nam đã chia đội hình thi đấu trên sân Thống Nhất, trận ấy có bán vé để làm từ thiện và khán giả đến xem khá đông. Lúc đang thi đấu tôi nghe một tiếng “phựt” ở đầu gối và chân đau nhói đến độ không di chuyển được. Nằm trên cáng thương, tôi lo lắng vì cảm giác được rằng mình sẽ không bao giờ còn thi đấu được nữa, bởi cái gối của mình tái phát chấn thương liên miên. Lúc đó, dù rất kiềm nén, nhưng nước mắt cứ chảy dài trên má, và khi đồng đội ôm tôi để vỗ về an ủi, tôi đã bật khóc như một đứa trẻ”.

Trần Minh Chiến và các đồng đội trong màu áo CA.TPHCM

Tự hào là người luôn biết kiềm chế cảm xúc, nên rất hiếm khi người ta thấy Minh Chiến rơi nước mắt, kể cả khi anh tung cú sút đưa đội tuyển Việt Nam vào chung kết SEA Games 18 gặp Thái Lan. Vậy nhưng có một lần, Trần Minh Chiến đã khóc như một đứa trẻ. Lần ấy, nhìn Trần Minh Chiến rơi nước mắt khi chia tay đời cầu thủ, trên khán đài, nhiều người cũng ứa nước mắt xót xa cho một tài năng đang độ chín, nhưng phải dừng cuộc chơi quá sớm vì chấn thương.

Sau SEA Games 18, Minh Chiến được đưa sang Đức chữa trị chấn thương cùng Hồng Sơn. Anh phải mổ gối tới 4 lần. Anh trở lại thi đấu trong một thời gian ngắn cho Công an TPHCM trong năm 1996.

 Tiếp lửa cho thế hệ trẻ

Lúc đang huấn luyện đội trẻ CA.TPHCM thì đội lại chuyển giao sang Ngân hàng Đông Á. Sau đó huấn luyện ở Ngân hàng Đông Á thì đội bóng giải thể rồi chuyển về cho trung tâm Thành Long của bầu Lai. Thế nhưng, sau khi được CLB TPHCM của trung tâm Thành Long lên chơi hạng Nhất, vì nhiều lý do, Minh Chiến đã bỏ ra ngoài huấn luyện cho các đội bóng phong trào để vừa thỏa đam mê và đó cũng là cách mưu sinh. Đến năm 2009, khi trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF được thành lập, anh cũng chuyển sang công tác đào tạo trẻ, Minh Chiến và Hứa Hiền Vinh là 2 HLV đầu tiên của lò đạo này cho đến nay.

HLV Minh Chiến trong chương trình đào tạo cầu thủ nhí

Minh Chiến nói, nghề HLV bóng đá trẻ tuy không giàu cũng đủ cho hai vợ chồng vượt qua những thời điểm khó khăn trong cuộc sống. "Tôi tâm niệm có cháo ăn cháo, có rau ăn rau. Nghiệp huấn luyện viên đội trẻ ăn vào máu rồi, và tôi cũng chỉ muốn vợ ở nhà chăm sóc con cái. Vì đó mới là vốn quý báu nhất của chúng tôi. Cũng có nhà riêng ở quận Tân Bình (TP HCM), nhưng cả gia đình lên thuê căn phòng tại Trung tâm huấn luyện Thành Long để sinh sống. Chỗ đi làm cách xa nhà đến 20 km lại đủ thứ cản trở nên vợ chồng tôi quyết định như thế".

"Cũng muốn làm thêm kiếm tiền nuôi vợ con, nhưng công việc quản lý đội U17 PVF khiến tôi quá bận bịu. Một ngày làm việc của tôi kéo dài từ 8h sáng đến 18h chiều. Thời gian ít ỏi còn lại là dành cho gia đình, bè bạn nhưng tôi hài lòng với những gì đang có. Quan trọng là tôi có môi trường thoải mái làm việc, có người thân xung quanh nên thấy quá vui rồi", chân sút tâm sự.

Mới đây, Minh Chiến đã tham gia chương trình "Lotte - Cầu thủ nhí 2016" cầu thủ trẻ từ 8 đến 10 tuổi, đang được phát sóng trên kênh VTV3, lúc 15g00 thứ 7 hằng tuần. Nói về quyết định của mình khi nhận lời tham gia chương trình tìm kiếm và đào tạo các tài năng trẻ trong chương trình "Lotte - Cầu thủ nhí 2016", Trần Minh Chiến bộc bạch: “Cầu thủ trẻ như tờ giấy trắng, và mình là người phác họa những bài học đầu tiên về kỹ chiến thuật của bóng đá cho các em.

Đồng thời cũng là người truyền lửa đam mê cho bọn trẻ. Vì thế, cầu thủ trẻ thường mang nhiều dấu ấn của HLV như kiểu thầy nào trò nấy. Điều ấy khiến mình rất hạnh phúc và càng đam mê với nghề. Tôi sẽ truyền dạy những kinh nghiệm của mình có được cho các bé, hy vọng những tài năng trẻ này sẽ là niềm tự hào của thể thao nước nhà trong thời gian tới.

Bình luận (0)

Thống kê
Lên đầu trang