Những công nghệ tiên tiến được áp dụng trong thể thao

Thứ Năm, 07/05/2015 08:55  | 

|

(CAO) Con người luôn không ngừng tìm cách phá vỡ những kỷ lục trong bất kỳ mọi lãnh vực. Chính vì thế, công nghệ luôn song hành với thể thao nhằm tạo ra những bước đột phá.

Hệ thống mắt diều hâu

Vào năm 1999, Công ty Roke Manor Research là nơi phát triển hệ thống này. Dự án do tiến sĩ Paul Hawkins lãnh đạo (ông đã lấy tên mình đặt thành tên hệ thống) và được công ty truyền hình Anh “The Television Corporation” tài trợ.

Trong môn quần vợt, hệ thống này được Jamea Jackson sử dụng lần đầu trong giải Master ATP 2006 tổ chức ở Key Biscayne. Ngày nay, trong các trận đấu quần vợt ở trình độ cao, trong các trận đá bóng tốc độ bay của bóng rất nhanh nên thật sự cần hệ thống "Mắt diều hâu".

Hệ thống "mắt diều hâu" được áp dụng vào môn đá bóng gây ra không ít tranh cãi

Mặt khác, đặc điểm chung cả hai môn này là việc xác định vị trí giữa bóng với vạch để xác định thắng thua. Xét riêng quần vợt thì bóng qua vạch quy định coi như người đánh bị mất điểm. Còn trong bóng đá, hệ thống này phát huy hiệu quả để tránh những “bàn thắng ma” (quả bóng chưa qua hết vạch vôi để tính là có bàn thắng).

Hệ thống mắt diều hâu ngày càng được áp dụng rộng rãi trong nhiều môn thể thao

Dù còn gây ra nhiều tranh cãi khi không ít người hâm mộ cho rằng cuộc chơi của con người sẽ đi về đâu nếu tất cả kết quả thi đấu lại do máy móc quyết định. Đặc biệt, trong môn thể thao vua là bóng đá, đôi khi sai lầm của trọng tài lại chính là yếu tố “hấp dẫn” đến không ngờ.

Đồ bơi tăng tốc độ

Liên đoàn Bơi lội quốc tế (Federation Internationale de Natation - FINA) đã chấp nhận cho vận động viên sử dụng những bộ đồ bơi có thể giảm lực cản của nước từ Olympic Trials năm 2000.

Cho đến Olympic 2008, những bộ đồ bơi LZR Racer của hãng Speedo đã vượt lên tất cả để trở thành bộ đồ bơi được ưa chuộng nhất đối với các vận động viên bơi lội. Từ khi những bộ LZR Racer của hãng Speedo ra đời, những con số kỳ lạ đã được ghi nhận trên đường đua xanh.

Chỉ trong năm 2008, đã có hơn 40 kỷ lục mới trên các đường bơi được thiết lập, con số này thậm chí còn gấp đôi những gì các vận động viên bơi lội đã làm trong khoảng thời gian 30 năm trước năm 2008. Dĩ nhiên việc lập nên kỷ lục mới còn có thể được xác lập do nhiều yếu tố khách quan khác như: chế độ ăn uống, rèn luyện, tâm trạng…

Không ít tay bơi huyền thoại đã phá nhiều kỷ lục khi mặc bộ đồ bơi đặc biệt này

Thế nhưng hàng loạt các kỷ lục được thiết lập cũng phần nào minh chứng phần nào là bộ đồ bơi đặc biệt này sẽ giúp không ít vận động viên về đích sớm hơn chỉ vài phầm trăm giây, đó cũng là quá đủ với môn thể thao đầy tính cạnh tranh về thời gian như bơi lội.

Bình xịt vạch sơn đá phạt

Nhờ có những vạch sơn được phun ra từ bình xịt của trọng tài mà các pha đá phạt được thực hiện nhanh chóng hơn và giảm hẳn các tranh cãi không cần thiết. Phía sau thành công của “công nghệ mới” này là Heine Allemagne.

Ông năm nay 44 tuổi, sống ở bang Minas Gerais (Braxin), phát minh ra “vạch sơn đá phạt” đối với ông chỉ đơn thuần với mục đích giúp trọng tài làm việc thuận lợi, chính xác hơn.

Heine Allemagne (phải), người phát minh ra bình xịt vạch sơn đá phạt

Luôn nung nấu trong đầu ý tưởng tạo ra một loại bọt đặc biệt để trợ giúp trọng tài từ năm 2000, sau quá trình tự mày mò tìm tòi, Allemagne phát minh ra loại bọt trắng được tạo ra từ dầu thực vật có khả năng tự phân hủy sau 1 đến 2 phút. Qua quá trình thử nghiệm tại các sân chơi nội địa ở Brazil, thành công rực rỡ nhất của phát minh này chính là ở World Cup 2014.

Giày và bóng gắn chip điện tử

Việc gắn chip vào giày và bóng hiện nay đã trở nên tương đối phổ biến. Ban đầu công nghệ này ít được chú ý nhưng vào cuối năm 2011, Adidas trong một chiến dịch quảng cáo của mình đã cho cầu thủ nổi tiếng Messi sử dụng những “đôi giày thông minh” loại này.

Đôi giày này ngoài việc được sử dụng những chất liệu tốt nhất (siêu nhẹ, siêu bền), thiết kế thích hợp nhất với từng thể trạng của từng cầu thủ, còn được gắn một con chip điện tử phía dưới gầm giày.

Con chip này có khả năng thu thập mọi thông tin dữ liệu suốt thời gian diễn ra trận đấu để có thể biết được Messi đã thi đấu ra sao trong 90 phút: chạy bao nhiêu km, tốc độ cao nhất, tốc độ trung bình, lực sút… để từ đó có thể đưa ra chế độ ăn uống, huấn luyện thích hợp cho Messi nói riêng và các ngôi sao bóng đá khác nói chung.

Con chíp
Vị trí gắn trên giày

Cũng từ đó việc gắn chip điện tử vào quả bóng và giày thi đấu cũng được hình thành. Việc gắn chip vào bóng ngoài để đo các thông số, còn nhằm kết hợp với hệ thống mắt diều hâu, xác định các bàn thắng của các cầu thủ có hợp lệ hay không.

Đồng Thần

Bình luận (0)

Thống kê
Lên đầu trang