Trận thua duy nhất của bốn đội bóng này chính là trận Anh gặp Bỉ ở loạt cuối vòng bảng chỉ mang tính thủ tục theo mục tiêu chiến lược đường dài của họ.
Pháp cũng hoà trận cuối trước Đan Mạch ở tình thế không cần thắng. Nói cách khác, đây là bốn đội đúng là mạnh nhất, gần như tuyệt đối tại giải lần này, trong đó có Brazil và Argentina là những nạn nhân trực tiếp.
Đội Bỉ đang sở hữu trong tay "thế hệ vàng"
Thậm chí, Argentina nhận đến hai nhát từ các đối thủ châu Âu: thua Croatia 0-3 và Pháp 3-4. Bỉ là đội duy nhất toàn thắng cả năm trận, từ Panama (Bắc Trung Mỹ), Tusinia (châu Phi), Anh (châu Âu), cho tới Nhật (châu Á), Brazil (Nam Mỹ).
Kể tên ra để thấy Bỉ cũng là đội duy nhất đá bại đại diện của tất cả các Liên đoàn bóng đá châu lục góp mặt tại World Cup lần này, và nó cũng cho thấy “Thế hệ Vàng” của Bỉ có thể đương đầu với các lối đá khác nhau tốt như thế nào. Có lẽ, đây cũng là một kỷ lục vô tiền khoáng hậu.
Gặp Pháp ở bán kết, Bỉ lại có tiếp trận “chung kết sớm” thứ nhì trong vòng năm ngày sau khi đã hạ đẹp Brazil ở tứ kết. Có thể nhiều người - trong đó có tôi - đã nghi ngờ về tính thực dụng và tinh thần thép trong những trận cầu quan trọng, nhưng cách Bỉ chơi ở trận tứ kết cho thấy họ đúng là đội bóng nhiều kinh nghiệm với 12 cầu thủ có trên 50 lần khoát áo đội tuyển quốc gia, và tổng cộng gần 1,100 trận của cả 23 tuyển thủ.
Số trận chơi cùng nhau của một đội tuyển mạnh và gồm nhiều ngôi sao như Bỉ - khác với một đội yếu như Panama vì không có nhiều chọn lựa - là một yếu tố quan trọng vì đó chính là con số nói lên sự quen thuộc, hiểu ý nhau giữa các cầu thủ.
Ấn tượng lớn nhất của Bỉ cho đến thời điểm này chính là sự ăn ý giữa bộ ba tấn công Hazard - De Bruyne - Lukaku, và phong độ xuất sắc của Courtois trong khung thành. Đây chính là những nhân tố sẽ cạnh tranh ở tất cả các cuộc đua cho các danh hiệu cá nhân tại World Cup lần này: vua phá lưới, quả bóng vàng, và thủ môn xuất sắc nhất giải!
Trong khi đó, Pháp là một tập thể trẻ nhưng đến từ một nền bóng đá có bề dày lịch sử hơn hẳn Bỉ với danh hiệu vô địch thế giới hồi năm 1998 và vào chung kết năm 2006. So về độ tuổi, chỉ có Nigeria là đội trẻ hơn Pháp tại giải lần này.
Tuy nhiên, điều đó cũng không nói lên được tất cả khi trong đội hình của họ là một sự pha trộn của những gương mặt nhiều kinh nghiệm như Hugo Lloris (31 tuổi), Olivier Giroud (31 tuổi) và các siêu sao của hiện tại và tương lai như Paul Pogba (25 tuổi), Griezmann (27 tuổi), và đặc biệt là Kylian Mbappe (19 tuổi).
Toàn giải, dù Pháp chỉ chơi xuất sắc trong trận thắng Argentina 4-3 và ghi vỏn vẹn ba bàn ở vòng đấu bảng, nhưng lại cho thấy sự chắc chắn và tiến bộ qua từng trận một. N’Golo Kante tiếp tục là một người hùng thầm lặng, và hãy xem anh sẽ đối đầu với De Bruyne như thế nào sau khi đã làm Lionel Messi tắt điện ở vòng 1/8.
Dấu ấn chiến lược trong trận bán kết này sẽ vô cùng hấp dẫn khi HLV Didier Deschamps của Pháp phải tìm ra phương án làm tan rã mối liên kết Hazard - De Bruyne - Lukaku, đồng thời vẫn có thể phát huy sức mạnh tấn công từ hai hậu vệ biên cùng ở độ tuổi 22 chỉ mới vụt sáng trên bầu trời Nga là Benjamin Pavard và Lucas Hernandez.
Trận bán kết sắp tới diễn ra giữa hai đội được cho là mạnh nhất tại giải lần này, Bỉ vẫn được đại đa số đánh giá cao hơn vì bên cạnh các nhân tố ngôi sao, lối chơi đồng đội của họ được xem là tốt và thuyết phục hơn Pháp.
Và sau các kỳ Euro và World Cup 2014 thất bại, tôi tin Bỉ sẽ vượt qua Pháp, và lịch sử World Cup sẽ ghi nhận một tên tuổi mới cho ngôi nhà lưu danh những nhà vô địch đã qua như: Brazil, Argentina, Uruguay, Đức, Ý, Pháp và Tây Ban Nha.
Ở trận bán kết còn lại, đội tuyển Anh tràn đầy năng lượng và khát khao chơi ngày càng hay dù đường đến vòng bán kết của họ không quá chông gai. Danh sách nạn nhân của họ chỉ gồm các đội bóng khá (Colombia), trung bình (Thuỵ Điển), và yếu (Tunisia, Panama).
Thuốc thử thật sự sắp tới là Croatia được đánh giá cao khi vòng bảng kết thúc nhưng càng vào sâu Croatia lại càng cho thấy những hạn chế của mình, đặc biệt là yếu tố thể lực - một trong những cuộc cách mạng tại World Cup lần này.
Rõ ràng, Modric, Rakitic đều không giữ được phong độ trong những trận knock-out như đã thể hiện khi gặp Argenitna ở vòng bảng. Trong khi Anh vẫn hừng hực tra tấn thể lực đối với Thuỵ Điển thì Croatia đá như phim chiếu chậm trong trận gặp Nga ở tứ kết.
Tuyển Anh cho thấy sự vượt trội hơn nhờ nền tảng thể lực sung mãn
Dù cũng đá bại và loại các đối thủ gồm mọi thành phần từ ngựa ô Nigeria, Iceland, Đan Mạch, cho tới ứng cử viên Argentina, hay chủ nhà Nga, nhưng Croatia cho thấy họ là đội duy nhất trong bốn đội vào bán kết có biểu đồ phong độ đi xuống. Đã vậy, Croatia còn phải trải qua hai trận kéo dài đến tận loạt sút luân lưu 11m.
Trong lịch sử, Argentina đã từng trải qua hành trình tương tự khi vượt qua Nam Tư và Ý ở tứ kết và bán kết trước khi thúc thủ trước Đức trong trận chung kết Italia 90. Bài học nhất quá tam do hết sức này Croatia cần phải quan tâm. Phía Gareth Southgate, tôi chờ đợi ông xử lý đội hình ra sân như thế nào khi đối chọi với một Croatia có kỹ năng cầm bóng tốt.
Liệu ông sẽ có thay đổi một ai trong bộ ba Dele Alli, Jess Lingard, Raheem Sterling để thêm vào một tiền vệ có thiên hướng phòng ngự như Eric Dier? Đó sẽ là một thách thức mang tính quyết định với Southgate, đặc biệt trong tình hình Sterling không nổ súng ghi bàn dù có những đóng góp chung cho lối chơi toàn đội. Dù sao đi nữa, tôi vẫn tin Anh sẽ vượt qua Croatia nhờ yếu tố mấu chốt: thể lực.
Lê Tuấn