(CAO) Từ khi FIFA chọn Qatar là nước đăng cai World Cup 2022 vào năm 2010, công tác chuẩn bị 8 sân vận động đã được nước chủ nhà khẩn trương bắt tay vào thực hiện, trong điều kiện nước có điều kiện khí hậu rất khắc nghiệt.
Sau nhiều năm chuẩn bị cho World Cup 2022, một sự kiện thể thao được cả thế giới mong đợi, nước chủ nhà hoàn thành một cách xuất sắc 8 sân vận động, sẵn sàng chuẩn bị cho các trận đấu tại World Cup 2022. Qatar là quốc gia Ả Rập đầu tiên trong lịch sử được đăng cai một kỳ World Cup (diễn ra từ ngày 20-11-2022 đến ngày 18-12-2022).
Hãy cùng tìm hiểu ý tưởng thiết kế cũng như quá trình xây dựng 8 sân vận động phục vụ World Cup 2022:
1. Sân vận động Al Thumama
Nằm cách thủ đô Doha 12km về phía nam, thiết kế mặt ngoài của sân vận động Al Thumama mang đậm dấu ấn của nền văn hóa Ả Rập. Sân vận động được lấy ý tưởng từ chiếc nón Gahfiya truyền thống của người đàn ông Hồi giáo ở vùng Ả Rập.
84% diện tích các khu vực thuộc Sân vận động Al Thumama là mảng xanh, diện tích công viên lên đến 50.000m2. Sân vận động Al Thumama tiết kiệm hơn 40% lượng nước vì sử dụng nước tái chế để tưới cho các mảng xanh so với các sân thông thường.
2. Sân vận động Al Janoub
Vào năm 2013, Zaha Hadid Architects đã được chọn để làm việc cùng với AECOM để thiết kế và xây dựng Sân vận động Al Janoub (trước đây có tên là Al Wakrah). Được xây dựng tại Al Wakrah, một trong những nơi có nền văn hóa lâu đời ở phía Nam Doha, thiết kế của Sân vận động Al Janoub được lấy ý tưởng từ hình tượng ngọc trai và nghề đánh bắt cá truyền thống của người dân địa phương.
Sân vận động 40.000 chỗ ngồi này chính thức đi vào sử dụng vào ngày 16-5-2019. Sau World Cup 2022, sức chứa của sân vận động này sẽ được giảm xuống còn 20.000 chỗ ngồi. Số ghế ngồi còn lại sẽ được dùng để hỗ trợ cho các dự án phát triển bóng đá ở nước ngoài.
3. Sân vận động Al Bayt
Lấy cảm hứng từ những chiếc lều du mục truyền thống, sân vận động Al Bayt có sức chứa 60.000 chỗ ngồi sẽ là nơi tổ chức một số trận đấu World Cup 2022.
Sân nằm ở phía bắc thành phố Al Khor, thành phố nổi tiếng với nghề truyền thống là câu cá và lặn ngọc trai, thiết kế của Sân vận động Al Bayt dù tôn vinh các giá trị văn hóa, truyền thống địa phương nhưng không kém phần hiện đại. Sân vận động Al Bayt được khánh thành đúng vào ngày Thể thao Quốc gia của Qatar năm 2020.
4. Sân vận động Ahmad bin Ali
Nằm ở thành phố Al Rayyan, nơi có đội bóng giàu truyền thống nhất Qatar, Sân vận động Ahmad bin Ali có thiết kế tôn vinh cộng đồng gắn bó của mình bằng cách kết hợp các biểu tượng của văn hóa và truyền thống Qatar.
Một trong những đặc điểm thiết kế chính của công trình này mặt tiền nhấp nhô, được làm bằng các hoa văn đặc trưng của từng vùng miền đất nước, chẳng hạn như các hoạt tiết với nội dung "tầm quan trọng của gia đình, vẻ đẹp của sa mạc, động thực vật bản địa, hay thương mại địa phương và quốc tế".
Sân có sức chứa 40.000 chỗ ngồi, sân vận động này có mái che và hệ thống làm mát tiên tiến nhất để đảm bảo các cổ động viên thoải mái trong suốt thời gian diễn ra trận đấu.
5. Sân vận động Education City
Sân vận động Education City nằm ở trung tâm khu vực tri thức và đổi mới, được bao quanh bởi các trường học và các tổ chức thể thao. Quá trình thi công, nhà thầu đã phát hiện ra những tảng đá có niên đại cách đây 20-30 triệu năm tại công trình. Điều này buộc đơn vị thi công phải đào sâu hơn 17m xuống mặt đất. Do vậy, Sân vận động Education City nằm dưới mực nước biển, nơi có nhiệt độ thấp hơn.
Mặt tiền sân vận động này có các hoa văn hình tam giác, một sự tái hiện của các hoa văn arabesque truyền thống, dường như thay đổi màu sắc theo chuyển động của mặt trời.
6. Sân vận động 974
Đây là sân được xem là có thiết kế ấn tượng nhất so với 7 sân vận động còn lại, Sân vận động 974 (trước đây có tên là Ras Abu Aboud) lấy ý tưởng từ hoạt động thương mại quốc tế và cảng biển của Qatar. Số "974" cũng rất có ý nghĩa khi đây là mã vùng quốc tế của Qatar và cũng là số lượng container được dùng để xây dựng sân vận động. Vì được xây dựng bằng các thùng container nên sân vận động có sức chứa 40.000 chỗ ngồi này sẽ được tháo dỡ hoàn toàn sau khi World Cup 2022 kết thúc.
7. Sân vận động Khalifa
Được xây dựng vào năm 1976 ở Al Rayyan, Sân vận động Khalifa từ lâu đã là sân vận động được chú ý nhất. Nơi đây từng tổ chức Đại hội thể thao châu Á, Cúp vùng Vịnh Ả Rập và Cúp châu Á AFC và nhiều sự kiện khác. Để phục vụ World Cup 2022, Sân vận động Khalifa đã nâng cấp để tăng sức chứa lên 40.000 người và trang bị thêm công nghệ làm mát tiên tiến. Tương tự sân Ahmad bin Ali, Sân vận động Khalifa cũng có hệ thống làm mát.
8. Sân vận động Lusail
Đây là sân vận động lớn nhất trong những sân vận động tổ chức các trận đấu của World Cup 2022, khi có sức chứa 80.000 chỗ ngồi. Thiết kế được lấy cảm hứng từ chiếc đèn lồng Fanar nhằm tôn vinh nghề thủ công truyền thống của người Trung Đông.
Mặt tiền của công trình là các hoạ tiết sơ khai trong các nền văn hóa Ả Rập và Hồi giáo được lặp đi lặp lại. Sau World Cup 2022, sân vận động này sẽ được chuyển thành trung tâm cộng đồng đa chức năng với trường học, cửa hàng, quán cà phê, cơ sở thể thao và phòng khám sức khỏe…
Kim Ngự (tổng hợp)