Lượt trận thứ hai chắc chắn sẽ khác!

Thứ Tư, 20/06/2018 09:46  | Bảo Chương

|

​(CAO) Nói theo ngôn ngữ bình dân thì loạt trận khai màn World Cup là loạt trận của "kèo dưới". Trong số 6 ứng cử viên vô địch hàng đầu (Brazil, Đức, Pháp, TBN, Argentina, BĐN), chỉ có đúng một đội thắng (Pháp), và họ chỉ thắng với cách biệt đúng 1 bàn khi gặp Úc.

Bàn thắng quyết định của Pháp diễn ra ở phút 81, do đối phương tự đốt lưới nhà. Bàn còn lại đến từ chấm 11m, do "công" của... công nghệ VAR. Có nghĩa: Pháp không ghi được bàn thắng từ tình huống mở. Và đây là tình trạng chung của các đội bóng mạnh nhất tại World Cup. Argentina loay hoay tìm đường vào khung thành Iceland. Brazil cũng vậy trong khi đội Đức thậm chí không có bàn nào.

Thật ra, "kèo trên sụp đổ" đã là tình trạng chung của những kỳ World Cup hoặc Euro gần đây, và đấy không bao giờ là chuyện ngẫu nhiên. Sở dĩ các "đại gia" còn chưa thể hiện được hình ảnh đích thực của mình một phần vì chính họ chưa "nóng máy". Một phần khác là vì họ đã bị đối thủ nghiên cứu quá kỹ.

Dĩ nhiên, trận ra quân của một đội bóng ở đấu trường World Cup luôn có ý nghĩa đặc biệt. Trong nhiều trường hợp, đấy còn là cột mốc lịch sử (ví dụ Iceland vừa đá trận đầu tiên ở World Cup, khí thế rất đặc biệt). Họ mà không nghiên cứu kỹ đối thủ ở trận ra quân thì đấy mới là chuyện lạ.

Thời gian nửa năm (từ khi có kết quả bốc thăm đến lúc World Cup khai diễn) là quá đủ để các đội "kèo dưới" chuẩn bị thật kỹ cho trận ra quân, trước các đối thủ cực mạnh mà họ chỉ mong thủ hòa. Quy luật muôn thuở: "phá" luôn dễ hơn "xây", thủ luôn dễ hơn công. Đấy là lý do vì sao các ông lớn World Cup bị phá lối chơi một cách dễ dàng trong loạt trận đầu.

Tuyển Pháp  là đội duy nhất trong các ứng viên giành chiến thắng trong lượt trận đầu

Nhưng, loạt trận thứ hai sẽ khác. Với lực lượng hùng hậu, các đại gia ở World Cup sẽ dễ dàng điều chỉnh từ đội hình đến cách chơi, và họ sẽ thành công ở loạt trận tiếp theo, khi đã "nóng máy". Ở World Cup, người ta hơn thua nhau chủ yếu bằng việc điều chỉnh cách chơi, hơn là so đọ lực lượng.

Mặt khác, không có đội nào chơi cùng một kiểu trong suốt giải mà lại thành công. Đây là lý do vì sao các đấu trường lớn Euro, World Cup luôn có tình trạng đội vô địch chính là đội thi đấu ngày càng hay (chứ không hẳn đấy là đội có lực lượng hùng hậu nhất giải).

BĐN không thắng trận nào suốt vòng đấu bảng, nhưng rút cuộc họ vẫn vô địch Euro 2016 - giải đấu lớn gần đây nhất. Khi TBN vô địch World Cup 2010, họ khởi đầu bằng trận... thua Thụy Sĩ. Không phải bao giờ cũng thế. Nhưng có bài học rõ ràng: với một đội mạnh thì việc thua, mất điểm, hoặc đá không thuyết phục ở trận ra quân chẳng hề là vấn đề lớn.

Ngược lại, tỏ ra hùng hậu và thắng như chẻ tre ngay từ đầu giải chưa chắc là hay, bởi các cầu thủ có thể rơi vào tâm lý "khinh địch" trong khi đối phương lại thấy quá rõ họ cần chuẩn bị những gì. Mỗi khi Brazil bị loại ở đấu trường World Cup, họ đều bay bổng ở những trận đấu trước đó.

Một chút phản biện: Các đội mạnh điều chỉnh thì chẳng lẽ đối thủ của họ không biết điều chỉnh? Khác biệt nằm ở lực lượng. Những gì thể hiện trong loạt trận ra quân đã là hình ảnh tốt nhất mà các đội bóng trung bình - yếu có thể làm được ở World Cup này. Những đội như thế thường chỉ chơi theo một cách định sẵn và chuẩn bị kỹ suốt nửa năm qua. Đâu phải muốn đá kiểu nào cũng được, khi chỉ có thực lực hạn hẹp!

Bình luận (0)

Thống kê
Lên đầu trang