Bài học nào cho Argentina?

Thứ Hai, 18/06/2018 11:38

|

​(CAO) Vẫn vậy: chiến thuật của Iceland chẳng bao giờ cầu kỳ, phức tạp, nhưng nó luôn tỏ rõ hiệu quả. Và đây là bài học: người ta có thể tấn công bằng tài năng cá nhân, nhưng phòng thủ phải bằng một tập thể. Các hậu vệ "vô danh" của Iceland gần như đóng chặt cửa khiến các chân sút khét tiếng của Argentina phải nản lòng.

Có một chi tiết quan trọng nơi hàng phòng ngự Iceland trong trận hòa Argentina 1-1: Sự trở lại của Aron Gunnarsson. Dĩ nhiên, không có nhiều người biết đến Gunarsson. Đấy không bao giờ là một hậu vệ nổi tiếng. Nhưng sự trở lại của Gunnarsson đã đem lại sự quen thuộc, ăn ý cho hàng thủ Iceland.

Ngược lại, có những thời điểm, Argentina tỏ ra thua cả Iceland về phòng thủ. HLV Jorge Sampaoli nói ông chọn Marcos Rojo và Nicolas Otamendi cho hàng thủ, Javier Mascherano và Lucas Biglia ở khu giữa sân vì họ là những người giỏi chuyền bóng. Đây cũng là chỗ tương đồng với triết lý của HLV Pep Guardiola ở Manchester City (thủ môn cũng phải giỏi phối hợp với đồng đội, chơi được như một hậu vệ).

Mùa trước, Guardiola chọn thủ môn Claudio Bravo, và... phá sản. Bravo quả có khả năng "chơi bóng", như yêu cầu của Guardiola. Nhưng một thủ môn trước tiên phải giỏi bắt bóng. Mà Bravo thì lại sai sót quá nhiều, và Man City thất bại trong mùa đầu tiên do Pep dẫn dắt.

Bây giờ, hãy nhìn vào các cầu thủ phòng ngự "giỏi chuyền bóng" của Argentina. Sai sót cá nhân của Rojo suýt dẫn đến bàn thua sớm (may cho Argentina, khi Birkir Bjarnsaon bỏ lỡ cơ hội ghi bàn). Hậu vệ trước tiên cứ phải vững chắc trong phòng thủ. Còn việc chuyền bóng phát động tấn công chỉ là chuyện tiếp theo.

Cả Rojo lẫn Otamendi đều thường xuyên tỏ ra vất vả trước những đường chuyền trực tiếp và đơn giản của đối phương. Vấn đề ở đây không phải là đẳng cấp cá nhân của Rojo và Otamendi. Họ đều rất giỏi, nhưng họ không phối hợp ăn ý với nhau.

Tất nhiên, trận đấu đầu tiên chẳng nói lên điều gì quan trọng (TBN thậm chí còn thua ở trận ra quân, khi họ vô địch World Cup 2010). Nhưng trận hòa 1-1 với "kèo dưới" Iceland đã để lại những bài học tốt cho Argentina, và họ chỉ có thể tiến xa nếu nhanh chóng khắc phục, nhờ những kinh nghiệm vừa qua.

Argentina thủng lưới trước đối thủ yếu và không thể ghi bàn nhiều hơn đối thủ yếu chỉ vì điều quan trọng: Họ thua đối phương về cách phòng ngự.

Nỗi buồn thất trận và bài học của Argentina 

Cũng cần lưu ý: Iceland chơi rất "sòng phẳng" trong trận đấu này, không phải chỉ lo cố thủ và rình rập khai thác sơ suất của đối phương như nhiều người tưởng. Bản thân Iceland cũng đã nhiều lần tỏ rõ... đẳng cấp tầm thường của họ khi tấn công. Bằng không, họ đã có thể ghi được nhiều bàn chứ không phải chỉ một.

Một lần nữa, thiên hạ thấy rõ sự bế tắc của Argentina khi Lionel Messi thất bại. Khi Sergio Aguero ghi bàn cho Argentina, giới thống kê phải lần ngược thời gian đến năm 2016 để tìm ra được lần gần đây nhất có một tiền đạo Argentina ghi bàn trong một trận đấu chính thức, mà người đó không phải là Messi.

Đây là trách nhiệm của ban huấn luyện Argentina. Tại sao cứ phải là Messi? Và hễ không thoát khỏi sự phụ thuộc vào Messi, thì việc tiếp theo của Argentina lại là bài toán hóc búa: Làm sao để các vệ tinh xung quanh đưa được quả bóng đến chân Messi, ở khu vực có thể ghi bàn? Bài toán ấy, trong lúc HLV Sampaoli còn đang loay hoay nghiền ngẫm, thì xem ra các đối thủ của Argentina - như Iceland vừa qua - đã giải được.

Messi thậm chí còn không đưa được quả bóng vào lưới từ chấm 11m. Đã nhiều lần như thế rồi, nên không thể là chuyện tình cờ. Messi luôn phải sút phạt đền trong tâm lý không được thoải mái, mất cả niềm tin vào chính mình?

Bình luận (0)

Thống kê
Lên đầu trang