Khi giới siêu giàu đam mê thể thao:

Kỳ 3: Những thương vụ cho môn "thể thao vua" của các đại gia Trung Đông

Thứ Tư, 14/12/2022 17:42

|

(CATP) Khi quả bóng tròn của World Cup 2022 tiếp tục thu hút sự chú ý của khán giả trên sân cỏ Qatar, với sự tiến sâu vào giải của một số đội bóng Châu Âu cho thấy các đại gia Arab đã đầu tư hiệu quả khi thể hiện được tiềm lực chính trị lẫn kinh tế và du lịch sau một thời gian "tạm lắng" nhờ vào sức hút của quả bóng lăn.

Kế hoạch chuẩn bị "hậu dầu mỏ”

Không phải đến bây giờ các đại gia Trung Đông mới lựa chọn khoản đầu tư mới để chuẩn bị cho kế hoạch "hậu dầu mỏ” khi khủng hoảng năng lượng kéo dài, mà từ hàng chục năm trước, các quỹ đầu tư khủng của hoàng thất Trung Đông đã lựa chọn chiến lược rót tiền vào các câu lạc bộ (CLB) Châu Âu để qua đó nhằm kích cầu du lịch khi có thần tượng túc cầu mình yêu thích nằm dưới quyền quản lý của họ, đồng thời cũng giúp thay đổi thói quen sinh hoạt của đa số người dân vùng Vịnh trong việc luyện tập thể thao để tăng cường sức khỏe, từ đó mở rộng phát triển kinh tế, giúp các quốc gia vùng Vịnh nâng cao danh tiếng trên trường thế giới.

Đầu tiên là việc chuyển nhượng đúng lúc các CLB bóng đá châu Âu nổi tiếng, gồm Manchester City, Newcastle United (Anh), Paris Saint-Germain (Pháp)... Giữa lúc Manchester City gặp khó khăn, Giám đốc điều hành CLB này khi ấy là Garry Cook đã may mắn được Hoàng tử Sheikh Mansour bin Zayed Al Nahyan thuộc Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) bỏ ra 300 triệu USD thời điểm tháng 9-2008 để chuyển nhượng, thổi luồng sinh khí mới giúp CLB hạng hai của Châu Âu này liên tiếp giành được hàng loạt giải khiến người hâm mộ nức lòng.

Câu lạc bộ Newcastle United của Anh Ảnh: Reuters

Tính đến thời điểm này, Hoàng tử Sheikh Mansour đã chi khoảng 4 tỷ USD cho niềm đam mê Manchester City và càng đáng nể hơn khi Abu Dhabi United của ông cũng đã thành lập Tập đoàn City Football, thâu tóm hàng loạt CLB: Australia Melbourne City của Úc, New York City của Mỹ, Yokohama F. Marinos đến từ Nhật Bản và Girona FC của Tây Ban Nha, dù lợi nhuận với hoàng tử này là "điều không tưởng"!

Trong một diễn biến khác, ngay từ khi Qatar giành quyền đăng cai World Cup 2022 vào năm 2010, CLB Paris Saint-Germain đã được Thái tử Tamim bin Hamad Al Thani (hiện là quốc vương Qatar) thông qua Quỹ đầu tư Qatar Sports Investments thâu tóm. Suốt 11 năm qua, Hoàng gia Qatar này cũng đầu tư thêm cả tỷ euro vào thị trường chuyển nhượng các CLB bóng đá Châu Âu. Trong đó, nổi lên hai bản hợp đồng trị giá hàng trăm triệu euro để đưa tuyển thủ Neymar từ CLB Barcelona (Tây Ban Nha) về vào năm 2017 và cầu thủ Kylian Mbappé (Pháp) sau đó, gây rúng động thị trường chuyển nhượng cầu thủ toàn cầu. Tiếp đến, Lionel Messi cũng được thu nạp về CLB này với mức lương khủng.

Trên thực tế, ngoài tập trung vào việc chuyển nhượng cầu thủ, dưới sự phóng tay của hoàng gia Qatar, sân vận động Parc des Princes cùng trung tâm huấn luyện hiện đại cũng được đầu tư mới, giúp CLB này giành đến 8 chức vô địch trong 10 mùa giải gần nhất, dù thành tích vô địch Châu Âu vẫn còn xa tầm với.

Đến lượt CLB Newcastle United (Anh) vào tháng 10-2021 cũng chính thức thuộc quyền sở hữu của Quỹ đầu tư công (PIF) thuộc Saudi Arabia (trị giá tài sản lên đến 500 tỷ USD) với mức chi khủng: hơn 420 triệu USD!

Những góc khuất sau các thương vụ chuyển nhượng

Vượt lên tất cả, khi quả bóng tròn lăn trên sân cỏ đã có sức mạnh đưa mọi người trên thế giới xích lại gần nhau hơn, vượt qua những khác biệt về màu da, chính trị, tôn giáo, kinh tế, văn hóa, xã hội..., nhất là sau chiến thắng lịch sử Saudi Arabia giành được từ đầu giải khiến World Cup ở Qatar chính thức được tôn vinh "World Cup của thế giới Arab".

Mặc dù vậy, thương vụ nào cũng tồn tại những bất cập, nhất là khi dư luận cho rằng các ông lớn Arab thâu tóm những CLB nổi tiếng chỉ để "đánh bóng tên tuổi bản thân và quảng bá hình ảnh quốc gia". Trong đó có thể kể đến trường hợp Thái tử Mohammed Bin Salman, người đồng thời cũng phụ trách Quỹ đầu tư nhà nước Saudi Arabia, việc mua lại CLB Newcastle United (Anh) là phương cách hữu hiệu để ông có thể quảng bá hình ảnh bản thân và Saudi Arbia với thế giới, khi Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất trở thành trung tâm du lịch nổi tiếng khu vực Trung Đông.

Theo các nhà quan sát, những thương vụ này cũng rất dễ chịu sự chi phối của các yếu tố chính trị. Đó là chưa kể đôi khi "sự cạnh tranh bất đắc dĩ" đã xảy ra, khi những ông chủ của các đội bóng cùng một giải đấu lại là anh em hoàng thất; trong đó ngoài CLB Newcastle United thuộc quyền Thái tử Mohammed Bin Salman thì Sheffield United - một đội bóng khác của Anh lại nằm dưới quyền Hoàng tử Abdullah Bin Mosaad cũng của Saudi Arabia.

(Còn tiếp)

Kỳ 2: Quý bà Pang - nữ đại gia và tình yêu lớn với bóng đá
 

Bình luận (0)

Thống kê
Lên đầu trang