(CAO) Vài mùa Champions League gần đây ai cũng có thể nhận ra sự khác biệt lớn trong cách tiếp cận trận đấu của các câu lạc bộ hàng đầu châu Âu. Đó là lối chơi “high pressing”, có thể được giải thích là “gây áp lực ngay từ đầu sân của đối phương”, hoặc ngay từ khi đối phương mới bắt đầu triển khai bóng từ sân nhà.
Ở cấp câu lạc bộ, Barcelona, Manchester City, AS Roma, Real Madrid, Dortmund, Tottenham Hotspur, hay Liverpool, thực thi lối chơi này rất tốt. Tại Champions League mùa này vừa kết thúc trước thềm World Cup, chúng ta thấy AS Roma và Liverpool đã chơi với một tốc độ áp sát đối phương khủng khiếp như thế nào.
Tuyển Anh đã phần nào chứng tỏ được sức mạnh của mình
Và đây là điều mà chúng ta đã không thấy được sau lượt trận đầu tiên ở vòng bảng, ngoại trừ ở hai đội Tây Ban Nha và Anh. Chúng ta có thể lý giải một cách đơn giản: kể từ khi có luật Bosman vào năm 1995, việc giới hạn ba cầu thủ nước ngoài trong đội hình ra sân được tháo gỡ và các đội bóng hoàn toàn có quyền đưa vào sân toàn bộ các cầu thủ nước ngoài có hộ chiếu EU, như Chelsea đã làm từ năm 1999.
Điều này cho phép các CLB giàu có tập hợp những cầu thủ ưu tú nhất trên lục địa già bên cạnh ba cầu thủ xuất chúng nữa từ phần còn lại của thế giới cho đội hình ra sân của mình.
Số tiền béo bở từ Champions League và tiền bản quyền truyền hình khủng khiếp như chắp thêm cánh cho các CLB lớn nâng cấp đội hình của mình. Đội tuyển quốc gia thì không làm được như thế. Việc tập luyện và thi đấu cạnh nhau từ tuần này sang tháng nọ tại CLB cũng là một quỹ thời gian quá xa xỉ với các đội tuyển quốc gia.
(CAO) Vòng chung kết
bóng đá thế giới - FIFA World cup Russia 2018 - ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh đã bắt đầu trước sự háo hức của hàng tỷ người hâm mộ trên khắp thế giới.
Nói cách khác, đội tuyển quốc gia không có đủ thời gian để tập trung thực hiện lối đá phức tạp và đầy khoa học này. Còn một lý do quan trọng nữa mà các đội tuyển ứng viên vô địch khó áp dụng chiến thuật “high pressing” là vì độ nén về mặt thời gian: có thể đá tới bảy trận trong một tháng, nếu vào tới chung kết. Rõ ràng, khía cạnh thể lực sẽ không cho phép các đội bóng làm điều này cho dù họ có muốn đi chăng nữa.
Ở lượt đầu, mới chỉ có Tây Ban Nha đã làm trong trận ra quân gặp Bồ Đào Nha, và Anh đã làm một phần trong trận gặp Tunisia. Nhiều đội bóng lớn khiến chúng ta thất vọng - như Brazil, Argentina, Đức, và thậm chí là những đội đã giành ba điểm như Pháp, Bỉ - vì họ đã không chơi high pressing, nguyên nhân chính khiến các trận đấu diễn ra ở tốc độ không quá cao như chúng ta được xem hàng tuần ở cấp CLB.
Anh, ra sân với tám cầu thủ thuộc biên chế Manchester City, Tottenham, và Liverpool hoặc Tây Ban Nha với số lượng cầu thủ tương tự từ Real Madrid, Barcelona, Manchester City có thể thực hiện được lối chơi này trong trận ra quân là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, chúng ta cũng đừng chờ đợi họ đá như vậy trong suốt giải lần này. Các đội bóng còn lại, kể cả các đội mạnh, khó có thể đá theo lối chơi này vì họ không muốn đùa với tử thần mang tên “thể lực”, hoặc do đội hình tập trung từ quá nhiều nguồn không cho phép.
Với các đội bóng nhỏ hơn, dù thể lực có thể dồi dào nhưng trình độ tư duy chiến thuật lại không cho phép, nên họ đã và sẽ chơi theo xu hướng phản công với tốc độ cao nhiều hơn.
Tại World Cup, giờ đây chúng ta không thể chờ đợi một cuộc cách mạng về chiến thuật ở cấp độ đội tuyển quốc gia như Hà Lan của thời 1974 - 1978 nữa, mà hãy xem cách các cầu thủ chơi với niềm tự hào được khoát áo đội tuyển quốc gia để hướng tới danh hiệu vô địch thế giới, và phần nào đó là “show hàng” cho những nhà tuyển trạch trước mùa bóng mới như thế nào. Ở hai sân chơi khác nhau, cách thưởng thức bóng đá của chúng ta, vì vậy, cũng cần phải khác nhau.
Lý Chánh