Trận đấu bị gán cho cái tên “Nỗi ô hèn Gijon” này đã bị khán giả tại sân hô vang “biến, biến, biến” trong suốt 80 phút còn lại sau bàn thắng của Horst Hrubesch vì hai đội chả làm gì nữa sau đó.
Tại Áo, BLV Robert Seeger đã kêu gọi khán giả tắt tivi, trong khi BLV Eberhard Stanjek của kênh truyền hình Đức ARD TV thì phản ứng bằng cách… làm thinh trong nhiều chục phút liền, còn tờ báo địa phương El Comercio của Gijon thì đưa tin về trận đấu trong trang mục tội phạm.
Chính trận đấu này cũng là khởi đầu cho FIFA đẩy các trận đấu lượt cuối vòng bảng lên đá cùng giờ để tránh tình trạng bắt tay như Đức và Áo đã làm. Tuy nhiên, một khi đã rắp tâm có ý đồ thì FIFA hay UEFA làm gì cũng không ngăn cản được.
Tại Euro 2004 trên đất Bồ Đào Nha, hai nước láng giềng của bán đảo Scandanavia Đan Mạch và Thuỵ Điển hoà nhau 2-2, một tỷ số đo ni đóng giày để loại Ý trong cuộc đua tay ba.
Xin nhắc lại, đây là kỳ Euro mà tiêu chí hàng đầu để so sánh khi bằng điểm là đối đầu trực tiếp. Cả ba đội đều thắng Bungaria trong khi trước đó Ý đã hoà Đan Mạch và Thuỵ Điển với tỷ số lần lượt là 0-0 và 1-1.
Báo chí Ý và quốc tế đã không ngần ngại gọi đây là một trận đấu được sắp đặt về tỷ số dù trước trận huấn luyện viên của hai bên là Morten Olsen và Lars Lagerback đều hùng hồn đập bàn quát mắng trước các câu hỏi dồn của báo chí Ý về khả năng này.
Vài năm sau, tạp chí bóng đá Offside của Thuỵ Điển tiết lộ những chi tiết động trời sau khi đọc khẩu hình các cuộc trao đổi giữa các cầu thủ trước, trong, và sau trận đấu. Trong lúc khởi động, hậu vệ Erik Edman của Thuỵ Điển đã hỏi Daniel Jansen “mình đá 2-2 được không?”, và tiền vệ người Đan Mạch đã trả lời “tại sao lại không?”.
Trong trận đấu, tiền vệ Anders Anderson cũng đã nhiều lần kêu gọi các cầu thủ Đan Mạch đá chậm lại khi Thuỵ Điển đang bị dẫn 2-1. Phút 88, Mattiat Jonson san bằng tỷ số 2-2 cho Thuỵ Điển, chính thức loại Ý - đội đang đá cùng giờ.
Chắc không ai có thể quên được hình ảnh gây xúc động mạnh của Antonio Cassano khi anh ghi bàn ấn định chiến thắng cho Ý trước Bungaria nhưng bật khóc khi nhận ra cả ban huấn luyện không ai ăn mừng.
Đó là hai câu chuyện cũ, áp dụng hai lịch thi đấu khác nhau ở lượt cuối, nhưng kết quả cùng đáng xấu hổ như nhau. Quay băng chạy nhanh đến World Cup 2018 - 36 năm sau Espana 82 và 14 năm sau Euro 2004 - bóng đá đã đi một chặng đường rất dài.
Luật Bosman ra đời, luật việt vị được thay đổi, giao bóng được chuyền về, công nghệ GOAL LINE xác định bàn thắng, rồi mới nhất là hệ thống Trợ lý Trọng tài sử dụng Màn hình, và bao nhiêu thứ khác ở giữa nữa.
Vậy mà, đêm qua, bóng đá thế giới lại dậy sóng. Bắt đầu với bảng C, Pháp đã giành quyền vào vòng knock-out gặp Đan Mạch, đội cần ít nhất một trận hoà, hoặc thậm chí thua cũng vào nếu Úc không thắng được Peru trong trận đấu cùng giờ. Đây không hẳn là một cuộc bắt tay giữa hai đội để loại Úc, nhưng cái cách mà Pháp đá đã đưa người xem lên chuyến bay thẳng về Gijon của năm 1982.
Các trang báo quốc tế đều chỉ trích trận đấu này bằng nhiều cái tít, dễ hiểu nhất là “Trận hoà 0-0 đáng xấu hổ”, hay “Trận cầu buồn thảm” - như trên trang ESPN.
Cả Pháp và Đan Mạch đều có lý do riêng để giải thích cho kết quả 0-0 đầu tiên tại World Cup lần này, nhưng với đa số người hâm mộ thì đây là một trận cầu thiếu mã thượng và coi thường khán giả, đặc biệt đối với 78,100 khán giả ngồi chật kín sân Luzhniki Stadium.
Pháp và Đan Mạch có thể đã thắng ở bảng C, nhưng chắc chắn, họ đã mất rất nhiều fan từ các quốc gia trung lập - trong đó có tôi.
Ba tiếng đồng hồ sau, Argentina giành ngôi nhì bảng từ tay Nigieria bằng trận thắng 2-1 với bàn đầu của Messi nhưng là bàn thứ 100 của World Cup lần này, bên cạnh pha ấn định tỷ số tuyệt đẹp của Marcos Rojo. Argentina đã chơi lột xác so với hai trận đầu, và Messi cũng đã lột xác về mặt hình ảnh.
Nhưng không thể không nói rằng, Nigeria đã bị cướp đi chiếc vé vào vòng hai từ trong tay. Trước khi ghi bàn quyết định ít phút, Rojo đã để bóng chạm tay sau một nổ lực đánh đầu giải nguy.
VAR đã vào cuộc, nhưng không hiểu sao trọng tài Cakir lại bỏ qua tình huống này dù quay lại nhìn màn hình đến hai lần! Tình huống này, cũng như trường hợp của Pháp, rất dễ tạo ra một sự nghi ngờ trong suy nghĩ của người hâm mộ: Ai mới là người quyết định không có penalty trong trường hợp này? Ông Cakir?
Hay do FIFA muốn một cuộc đối đầu đầu tiên và cũng có thể là cuối cùng giữa Messi và Ronaldo ở một kỳ World Cup? Đêm thứ ba vừa qua quá nhiều kịch tính để nhớ tới, và cũng có quá nhiều điều đáng buồn để quên.
Mong rằng, đây chỉ là một bức xúc mang tính cá nhân riêng lẻ, và sẽ không bao giờ trở thành một vết nhơ của bóng đá vì những tiết lộ không hay nhiều năm sau đó.
Lý Chánh