(CAO) World Cup 2014, Karim Benzema (Pháp) trở thành cầu thủ đầu tiên có bàn thắng được công nhận bởi công nghệ Goal Line trong trận gặp Honduras. Trước khi được áp dụng rộng rãi, công nghệ này đã gặp rất nhiều rào cản phản đối vì người ta cho rằng nó có thể làm giảm một phần vẻ đẹp của bóng đá...
Bốn năm sau, FIFA lại áp dụng thêm một cuộc cách mạng nữa: áp dụng công nghệ Trợ lý Trọng tài qua Video (VAR). Có thể tóm tắt: ngoài các trọng tài trên sân, sẽ có thêm một đội trọng tài ngồi máy lạnh xem xét từng chi tiết nhỏ từ mấy chục camera chuyên dụng cho mục đích này.
Ngoài chuyện trợ giúp mổ xẻ lại một tình huống chưa rõ khi được trọng tài chính yêu cầu, thì chính họ cũng có quyền “đề xuất” trọng tài chính cần xem lại một tình huống nào đó mà trọng tài có thể đã bỏ sót.
Ngoài ra, các trọng tài biên còn được lệnh không phất cờ trong các tình huống chưa rõ việt vị hay không, để không cắt đứt một pha bóng có thể thành bàn - nếu không việt vị - của bên tổ chức tấn công.
Quyết định này có thể khiến các trọng tài trở nên thụ động hơn, nhưng rõ ràng làm giảm rất nhiều áp lực cho họ, vì họ có đến hai cơ hội để đi đến quyết định cuối cùng.
Nhưng chưa hẳn mọi thứ đều đúng, đều trơn tru hoàn hảo. Chỉ sau 15 phút của trận khai mạc Nga - Saudi Arabia là đã có tình huống để khán giả đặt câu hỏi ngay: vì sao pha bóng việt vị đến nửa mét của một cầu thủ Nga, trong tầm quan sát tốt của trọng tài, lại không bị thổi. Và ngay cả sau đó VAR cũng không “vào cuộc”? Có phải vì Nga là nước chủ nhà và họ buộc phải thắng bằng mọi giá mà trận đấu vẫn tiếp diễn như thường?
Pha bóng này dù không dẫn đến bàn thắng nhưng cũng mang lại quả phạt góc cho đội chủ nhà, và “lỡ” bàn thắng lại đến thì sao?
Pha việt vị của cầu thủ Nga nhưng không bị thổi phạt
Từ đây, liệu có thể áp dụng luật “khiếu nại” như đã được chứng minh rất thành công trong môn quần vợt: đội bóng cảm thấy quyết định mang tính bất công cho mình có quyền khiếu nại hai lần mỗi trận, mỗi lần khiếu nại sai sẽ mất đi một quyền?
Có như vậy thì các đội bóng sẽ rất cân nhắc cho mỗi lần khiếu nại của mình, và đội trọng tài cũng không bị người xem đặt dấu hỏi như trong trận khai mạc vừa qua. Lúc đó, các trận đấu cũng đỡ bị nát vụn vì mỗi lần dùng đến VAR trung bình ngốn hết 40 giây, một thời lượng không hề nhỏ.
Ở phía trước còn hơn 60 trận đấu nữa, không biết sẽ còn bao nhiêu trường hợp mang dấu chấm hỏi như thế này sẽ xảy ra. Có thể, những tranh luận như trước đây về một tình huống không rõ ràng do trọng tài sẽ nhường chỗ cho những tranh luận về việc tại sao lại dùng hay không dùng VAR thông qua các màn hình ở World Cup lần này.
Nếu tranh cãi vẫn diễn ra, tôi vẫn thích tranh cãi vì quyết định do con người gây ra chứ không phải máy tính. VAR vốn được tạo ra để mang lại sự công bằng nhưng thực ra, trên bình diện của môn thể thao toàn cầu này, nó có thể đã tạo ra sự mất cân đối về sự bình đẳng ngay từ đầu.
Rõ ràng, các đội bóng châu Âu đã được quen trước - không nhiều thì ít - với VAR so với các đội bóng từ châu Phi hay những nơi kém phát triển hơn, để từ đó, họ có được lợi thế không nhỏ về cách hành xử trên sân cũng như trong tâm lý thi đấu.
Chỉ mong rằng, trên đây chỉ là những lo lắng tạm thời, và danh hiệu vô địch World Cup không được định đoạt bởi những màn hình và những con người ngồi trong phòng lạnh không ai biết mặt, thay vì là các cầu thủ và trọng tài trên sân.
Lý Chánh