Cám ơn Die Mannschaft

Chủ Nhật, 24/06/2018 16:35

|

(CAO) Xin nói rõ ngay từ đầu, tôi chưa bao giờ là một fan hâm mộ của đội tuyển Đức trong suốt cuộc đời xem bóng đá của mình.

Đức, trong nhận thức bóng đá của tôi, là một đội bóng mạnh, rất mạnh, hầu như lúc nào cũng có sẵn một chỗ ở vòng bán kết của một giải đấu mà họ tham gia, từ Euro cho đến World Cup. Bị loại ở tứ kết là một thất bại, không qua vòng bảng là một thảm họa.

Trong lịch sử dự World Cup, chỉ có một lần Đức không đi xa và bị loại ngay vòng đầu - đó là trận đá lại thua Thụy Sĩ 2 - 4 hồi năm 1938, thuở ban sơ của bóng đá mà thể thức World Cup còn chơi theo thể thức loại trực tiếp.

Ngoài ra, Đức là đội vào chung kết nhiều nhất với 8 lần, trong đó có 4 lần vô địch. Họ cũng vào tới bán kết 13 trong tổng số 17 lần tham dự! Điều làm nên hình ảnh của tuyển Đức chính là chất thép của họ, là những cuộc lội ngược dòng, là những bàn thắng ở phút 90 hay lúc bù giờ.

Và lối đá Đức đó, màu áo trắng sáng rực rỡ đó, cũng chính là một loại gien di truyền không chỉ của đội tuyển Đức mà còn là của các kỳ World Cup. Người hâm mộ đội Đức, lối đá Đức đó rất nhiều trên thế giới, nhưng người “ghét” họ cũng không ít.

Tôi còn nhớ như in hình ảnh ông nội và ba tôi đã đau khổ như thế nào khi đọc báo hay tin Pháp bị Đức loại ở bán kết Espana 82 từ chấm 11m luân lưu sau khi lội ngược dòng ngoạn mục ở hai hiệp phụ (bị dẫn 3-1, gỡ 3-3). Cũng ở kỳ World Cup trên đất Tây Ban Nha đó, người Đức đã gieo “mầm xấu” trong suy nghĩ của đứa trẻ 12 tuổi như tôi bằng cái bắt tay với đội tuyển Áo ở trận cuối để loại Algieria của Belloumi và Madjer ở vòng bảng, để từ đó FIFA mới phải ra luật đá cùng giờ hai trận cuối vòng đấu bảng!

Bốn năm sau, ở Mexico 86, Pháp của bộ tứ huyền ảo Michel Platini, Jean Tigana, Alain Giresse, và Luis Fernandez lại tiếp tục gục ngã 0-2 trước tuyển Đức với bàn ấn định tỷ số của Rudy Voller đến ở phút 90. Năm 1990, Die Mannschaft chính thức trở thành “kẻ thù” của thế hệ thứ ba trong gia đình, mà “nạn nhân” cụ thể là Argentina, là Diego Maradona, là tôi.

Tôi sẽ không thể nào quên được những giọt nước mắt của Maradona - vừa là tuổi thơ, vừa là tuổi trẻ của tôi - sau trận chung kết thua Đức tức tưởi từ một quả phạt đền gây tranh cãi ở phút 85. Nhắc lại một số chuyện cũ để thấy Đức là vậy, rất mạnh mẽ, lạnh lùng, luôn có đầy đủ những kế sách, và cũng trượng phu một cách tàn nhẫn, như cách họ lột sạch lịch sử oai hùng của bóng đá Brazil bằng trận thắng 7-1 ngay tại Belo Horizonte chỉ trong vòng 18 phút hoang dã nhất trong toàn bộ lịch sử World Cup. Rồi sau đó là một bàn thắng muộn ở hiệp phụ trong trận chung kết trước Argentina để lên ngôi vô địch thế giới lần thứ tư.

World Cup lần này đã có khởi đầu hấp dẫn trên bình diện chung với các yếu tố chính: Các đội bóng có thể lực rất tốt, chạy rất nhiều và nhanh, va chạm với nhau không ngần ngại, và thi đấu với một chiến thuật rất chặt chẽ. Nhưng ngược lại, cái còn thiếu - và cũng là cái người hâm mộ cần - chính là cá tính của từng đội bóng.

Cho đến thời điểm này, người xem vẫn chưa thấy những yếu tố tạo nên sự mê hoặc mà các đội bóng tạo ra được như bẫy việt vị của Bỉ hồi Espana 82, nét vũ bão của Đan Mạch ở Mexico 86, sự hào hoa của Hà Lan ở USA 94, hoặc nét thơ ngây và đẹp đẽ của những bông hoa đồng nội từ các đội bóng châu Phi như Algieria (Espana 82), Nigieria (USA 94), Ghana (Japan & Korea 2002), hoặc lối chơi đặc chủng của Italy xuyên suốt các kỳ World Cup.

Rạng sáng nay, người Đức, Toni Kroos, đã đánh thức những ký ức đẹp đang ngủ quên ở Russia 2018 lần này. Cám ơn Die Mannshaft!

Sống cùng World cup với  Báo Công an TP.HCM: Dự đoán từng trận, quà nhận liền tay!
 

Bình luận (0)

Thống kê
Lên đầu trang