(CAO) Vòng chung kết World Cup 2022 mới khai màn các lượt trận đầu tiên, nhưng đã xảy ra hai “cơn địa chấn” khiến cả thế giới phải sửng sốt, liên tiếp hai ngày qua hai đội bóng châu Á là đội tuyển Saudi Arabia và Nhật Bản bị cho là "lót đường" đã giành chiến thắng thuyết phục trước hai “gã khổng lồ” của bóng đá thế giới là đội tuyển Argentina và Đức với cùng tỉ số 2-1.
Ngay sau khi hai “cơn địa chấn” xảy ra, không chỉ báo chí tại hai quốc gia châu Á này có những bài viết ca ngợi chiến thắng lịch sử của đội nhà và cả những dòng người xuống đường ăn mừng chiến thắng, mà truyền thông thế giới cũng có những bài viết và bình luận ca ngợi màn trình diễn thuyết phục của các cầu thủ Saudi Arabia và Nhật Bản.
Đối với Saudi Arabia, ngày 22-11-2022 có lẽ là cột mốc đáng nhớ nhất trong lịch sử bóng đá nước nhà, khi đội tuyển của họ đã đánh bại Argentina với tỉ số 2-1 trong trận đấu ra quân tại vòng loại bảng C, World Cup 2022.
Saudi Arabia được ca ngợi là niềm tự hào châu Á sau chiến thắng trước Argentina
Trong 6 lần tham dự các vòng chung kết World Cup, thành tích tốt nhất của Saudi Arabia chỉ là lọt vào vòng 2 tại World Cup 1994 được tổ chức tại Mỹ. Sau trận đầu tiên ra quân thua Hà Lan với tỉ số 1-2, Saudi Arabia đã giành liên tiếp hai trận thắng trước Maroc (2-1) và Bỉ (1-0) để lọt vào vòng 2 trong lần đầu tiên tham dự World Cup, nhưng họ phải dừng bước ở vòng 1/8 khi để thua Thụy Điển với tỉ số 1-3. Phải mãi tới World Cup 2018, Saudi Arabia mới có được trận thắng tiếp theo sau khi đánh bại đội tuyển Ai Cập với tỉ số 2-1. Tuy nhiên, kết quả này cũng không đủ để giúp họ vượt qua vòng bảng.
Chia sẻ trong cuộc họp báo sau khi đánh bại Argentina với tỉ số 2-1, HLV Herve Renard cho biết: “Chiến thắng này sẽ đi vào lịch sử World Cup và tất nhiên là cả lịch sử bóng đá Saudi Arabia. Chúng tôi chắc chắn sẽ có màn ăn mừng hoành tráng cùng nhau, nhưng như vậy là đủ rồi. Đội tuyển cần tập trung trở lại cho hai trận đấu tiếp theo hoặc có thể nhiều hơn thế nữa. Trong bóng đá mọi điều đều có thể xảy ra và hy vọng rằng đội bóng chúng tôi sẽ có kết quả tốt nhất tại kỳ World Cup này”.
Còn trong đấu giữa Đức và Nhật Bản vào tối 23/11, ngay sau hồi còi khai cuộc, các cầu thủ đội tuyển Đức kiểm soát thế trận và gia tăng sức ép tấn công liên tiếp. Sau nhiều cơ hội bị bỏ lỡ, đội tuyển Đức mở tỉ số bằng cú đá phạt đền của Ilkay Gundogan ở phút 32.
Sau giờ nghỉ, đội tuyển Nhật Bản cải thiện đáng kể về mặt thế trận và bắt đầu tổ chức được những pha tấn công có sức uy hiếp cao. Phút 75, Ritsu Doan sút tung lưới Manuel Neuer gỡ hòa cho đội tuyển Nhật Bản; đến phút 83, Takuma Asano tạo nên “cú sốc” lớn với bàn thắng ấn định tỉ số 2-1.
Các cầu thủ Nhật Bản ăn mừng chiến thắng trước đội tuyển Đức
Sau trận đấu, HLV Hajime Moriyasu đã chia sẻ về chiến thắng lịch sử của đội nhà: “Đội tuyển Nhật Bản đã chiến đấu với tinh thần và ý chí cao nhất. Tôi nghĩ đó là nguyên nhân giúp chúng tôi có được chiến thắng hôm nay. Đội bóng đã duy trì lối chơi tập thể để đáp ứng yêu cầu trong một trận đấu tổng lực. Hai cầu thủ được thay vào sân đã định đoạt trận đấu. Họ đã thể hiện phẩm chất của mình để giúp đội bóng giành chiến thắng”.
Trước kỳ tích của Saudi Arabia và Nhật Bản, trong lịch sử các vòng chung kết World Cup trước đây cũng đã chứng kiến những “cú sốc” có thể kể đến như: Cuba - Romania 2-1 (World Cup 1938), Triều Tiên - Ý 1-0 (World Cup 1966), Đông Đức - Tây Đức 1-0 (World Cup 1974), Algérie - Tây Đức 2-1 (World Cup 1982), Bắc Ireland - Tây Ban Nha 1-0 (World Cup 1982), Cameroon - Argentina 1-0 (World Cup 1990), Bulgaria - Đức 2-1 (World Cup 1994), Cộng hòa Ireland - Ý 1-0 (World Cup 1994), Na Uy - Brazil 2-1 (World Cup 1998), Senegal - Pháp 1-0 (World Cup 2002), Hàn Quốc - Ý 2-1 (World Cup 2002), Thụy Sĩ - Tây Ban Nha 1-0 (World Cup 2010), Costa Rica - Ý 1-0 (World Cup 2014), Hàn Quốc - Đức 2-0 (World Cup 2018)...
Và với hai “cú sốc” mới nhất này, các đội bóng châu Á đã 5 lần lập công. Đầu tiên phải kể đến là “cú sốc” tại World Cup 1966 khi ĐT Triều Tiên đánh bại ĐT Ý với tỉ số 1-0, thì phải mãi 36 năm sau khi World Cup 2002 được tổ chức trên sân nhà, ĐT Hàn Quốc mới đánh bại được ĐT Ý với tỉ số 2-1, và phải 16 năm sau tại World Cup 2018, ĐT Hàn Quốc tiếp tục đánh bại ĐT Đức với tỉ số 2-0 trong trận đấu không còn nhiều ý nghĩa.
Thế nhưng ngay tại lượt trận đấu ra quân tại World Cup 2022, hai đội bóng châu Á đã tạo ra hai “cú sốc” trước ĐT Argentina và Đức, cho thấy thời gian đã được rút ngắn xuống đáng kể. Và đối với người hâm mộ châu Á, đây xứng đáng là 5 “kỳ quan” của bóng đá thế giới.
Vậy vì sao bóng đá châu Á lại đạt được kết quả khả quan đến như vậy, đó là cả quá trình các thành viên Liên đoàn bóng đá châu Á kiên trì thúc giục Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) phải tăng thêm suất tham dự vòng chung kết World Cup cho các đại diện châu Á, một đòi hỏi hoàn toàn hợp lý và chính đáng.
Và mới đây, vào đầu tháng 8-2022, FIFA đã công bố lộ trình chính thức hướng tới World Cup 2026, trong đó châu Á được nâng từ 4,5 lên 8,5 suất dự vòng chung kết, nghĩa là sẽ có 8 suất trực tiếp tham dự vòng chung kết World Cup 2026 và một suất tham dự trận play-off liên lục địa. Đây có lẽ là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực và đầu tư bài bản của các nước thành viên Liên đoàn bóng đá châu Á.
Anh Huy