(CAO) HLV Jose Pekerman của Colombia từng dẫn dắt đội tuyển Argentina tại World Cup 2006 - và đấy là thời điểm mà Argentina có một lực lượng cực mạnh, chứ không tầm thường như bây giờ.
Sau thất bại ở World Cup 2006, Pekerman đưa đơn từ chức. LĐBĐ Argentina bác đơn, với lý do nghe rất buồn cười: Pekerman phải chịu trách nhiệm lớn nhất về thất bại ở World Cup 2006, và ông phải chấp nhận hình phạt là... tiếp tục huấn luyện, cho đến khi nào Argentina tìm được HLV mới (gọi là "phạt" vì lương HLV ở đội tuyển Argentina rất thấp, thường ít ai chịu làm nếu như không phải vì vinh dự cầm quân ở World Cup).
HLV Jose Pekerman của Colombia tưởng chừng đã rút được
kinh nghiệm trong thất bại với Argentina tại World Cup 2006
"Tội" của Pekerman tại World Cup 2006 là như thế nào? Argentina dẫn trước đội chủ nhà Đức, và Pekerman nghĩ rằng trận đấu đã coi như ngã ngũ. Ông rút Juan Riquelme ra khỏi sân. Khi ấy, Riquelme đang tỏa sáng trong vai trò "số 10", là nhà tổ chức tấn công hay nhất giải.
Bất ngờ, Đức gỡ 1-1 vào cuối trận, và đôi bên phải tiếp tục đá hiệp phụ trong hoàn cảnh Argentina coi như không có thủ lĩnh trên sân. Đội bóng tài năng nhất World Cup 2006 rút cuộc không làm gì được đối thủ tầm thường hơn họ trong mọi phương diện. Cuối cùng, Đức loại Argentina trên chấm 11m luân lưu.
Bây giờ, Pekerman dẫn dắt Colombia tranh vé vào vòng tứ kết World Cup 2018 với đội tuyển Anh - một đối thủ khá hạn hẹp về mặt tài năng. Cựu danh thủ Faustino Asprilla của Colombia hào hứng tuyên bố: "Mọi người sẽ được chứng kiến một thứ bóng đá tấn công, lôi cuốn, từ đội Colombia".
Kết quả: chẳng có thứ bóng đá tấn công, lôi cuốn nào. Chẳng phải vì Colombia không có khả năng. Có, nhưng HLV Pekerman không dùng. Giống như ông đã tự bỏ đi cái vốn quý nhất của mình, rút siêu sao Riquelme ra khỏi sân tại World Cup 2006.
Không lâu trước đó, thiên hạ choáng ngợp trước những pha tấn công lắt léo và ngoạn mục của James Rodriguez, Juan Cuadrado, Juan Quintero và Radamel Falcao. Bây giờ, Rodriguez chấn thương không đủ phong độ ra sân. Thế là Pekerman hoảng hốt bố trí một đội hình gồm 3 tiền vệ phòng ngự. Ông dùng Jefferson Lerma hỗ trợ cho Wilmer Barrios ở khu giữa sân. Và Colombia coi như không còn bệ phóng nào cho các pha tấn công ở hàng tiền vệ.
Thế nhưng ông vẫn mắc phải sai lầm tương tự với Colombia
Mấu chốt là ở chỗ: khi Pekerman hy sinh khả năng tấn công để tập trung củng cố phòng tuyến giữa sân, ông đã tự tố giác mình: ông coi trọng đối phương hơn chính mình. Asprilla bẽ bàng: hóa ra Colombia là đội "cửa dưới", và chính HLV trưởng Pekerman chứng minh điều đó.
Cũng như 12 năm trước, Pekerman hy sinh ngôi sao tấn công Riquelme vì ông thấy việc ngăn cản các pha tấn công của Đức quan trọng hơn việc chính mình tấn công. Thà rằng đối thủ cũng "ghê gớm" như Brazil hoặc Pháp. Đằng này, thực tế đã chứng minh rõ: đội tuyển Anh của Gareth Southgate quá nghèo nàn về tài năng, nhất là trong lĩnh vực tấn công.
Thay vì tấn công một đối thủ tầm thường như thế, Pekerman lại chỉ lo đối phó với những đợt tấn công của đối thủ, như là ưu tiên một khi xếp quân và chọn lối chơi. Harry Kane ư? Cầu thủ đang dẫn đầu giải vua phá lưới đầu có làm nên trò trống gì, đâu có ghi bàn nếu không nhờ quả phạt đền!
Rút cuộc, Colombia chỉ gỡ hòa trong tình thế bị dẫn điểm đến tận phút chót, và thua trong loạt sút luân lưu 11m. Đáng lẽ Colombia đã có thể thắng trong 90 phút, nếu họ phát huy được tiềm năng tấn công của mình. Đau nhất cho giới hâm mộ Colombia, là họ thất bại vì không dám tấn công, trước một đối thủ cũng... chẳng dám tấn công. Anh quá tầm thường, nhưng Colombia thua không đúng cách!
Tuấn Kiệt