Cầu thủ nhập tịch không cho lên tuyển thì ‘mở cửa’ làm gì?

Thứ Năm, 17/03/2016 14:47  | P.V

|

(CAO) Từ trước đến nay, việc cho cầu thủ nhập tịch lên tuyển vốn là vấn đề gây tranh cãi. Lập luận của cả bên ủng hộ lẫn chống đối đều rất minh bạch, rõ ràng. Tuy nhiên, câu chuyện cho cầu thủ nước ngoài được suất đá chính thức ở tuyển vẫn còn là điều xa lạ với nhiều người hâm mộ.

Chiều 11-3 vừa qua, sau khi công bố danh sách 32 cầu thủ được triệu tập ĐTQG, HLV trưởng Nguyễn Hữu Thắng chia sẻ về ý tưởng xây dựng ĐTVN theo "kiểu mới": "Tôi muốn có những cầu thủ tốt nhất để ĐTVN mạnh lên, không nên phân biệt cầu thủ nội với những cầu thủ từng sinh ra và lớn lên ở nước ngoài nhưng có quốc tịch Việt Nam. Bất kỳ cầu thủ nào mang quốc tịch VN có phong độ tốt thì cánh cửa lên ĐTVN cũng mở ra với họ".

Quan niệm về cầu thủ ngoại nhập tịch

Sự kiện cầu thủ người Hà Lan, Van Bakel muốn nhập tịch để khoác áo đội tuyển Việt Nam nhận được sự chú ý của khá đông người hâm mộ. Tuy nhiên, sự việc này vẫn có nhiều ý kiến trái chiều.

Sự kiện cầu thủ người Hà Lan Van Bakel muốn nhập tịch để khoác áo đội tuyển Việt Nam nhận được sự chú ý của khá đông người hâm mộ

Từ trước đến giờ dư luận chỉ mở đường cho những cầu thủ nhập tịch gốc Việt. Có nghĩa là phải có cha, mẹ là người Việt Nam. Vì theo quan điểm của riêng tôi hay một số người những cầu thủ như vậy mới có bản sắc khoác áo đội tuyển quốc gia.

Và đa số những người yêu bóng đá Việt Nam như tôi cảm thấy xa lạ với hình ảnh một ông Tây cao lêu nghêu, hát quốc ca không rõ nhịp thì làm sao có đủ tinh thần cống hiến cho màu cờ sắc áo của đất nước không phải quê hương họ?

Danny van Bakel (trái) xuất hiện tại V.League năm 2011 trong màu áo Bình Dương. Sau đó, anh chuyển tới thi đấu cho Đồng Nai, rồi tới Thanh Hóa

Đó là chưa kể đến những bất đồng trong quan điểm, chỉ đạo, khó khăn trong việc dung hòa những nền văn hóa khác nhau trong đội tuyển vốn không phải là điều dễ dàng. Ngay cả khi đó là những con người trong cùng một quốc gia, cùng nói ngôn ngữ và vốn cùng chung quê hương đôi khi còn xảy ra những đợt “sóng ngầm” ngoài sân cỏ hay trong phòng thay đồ.

Dĩ nhiên, chúng ta không thể phủ nhận nhiều đội bóng trong khu vực Đông Nam Á đã và đang Tây hóa lực lượng. Đó cũng vốn là những đối thủ quen thuộc với đội tuyển Việt Nam nhưng giờ bỗng trở nên khó dò vì hàng loạt cầu thủ ngoại.

Tuyển Singapore gần như lúc nào cũng có một nửa cầu thủ ngoại trong đội hình 

Có lẽ trong khu vực Đông Nam Á này chỉ có Việt Nam và Thái Lan là chấp nhận cầu thủ có cha hoặc mẹ là người bản xứ nhập tịch lên tuyển. Các trường hợp cầu thủ ngoại binh nhập tịch dường như rất ít xuất hiện hoặc nếu có thì cũng ít khi được “trọng dụng” để thi đấu lâu dài.

Cách người Đức tiếp nhận cầu thủ nhập tịch

Còn nhớ khi người Đức mang đến World Cup 2010 tại Nam Phi một đội hình nhiều màu da. Khi đó, dù không thể đăng quang nhưng ấn tượng về một đội tuyển Đức “chuyển mình” từ một cỗ xe tăng chậm chạp, trở thành những đối thủ mạnh mẽ khiến các đội bóng khác e ngại như thổi luồng gió mát vào lòng người hâm mộ. Phần nào xua tan đi ngôi vị của lối đá thực dụng, đầy toan tính mà thời điểm đó vốn đang hiện diện trong mọi trận thi đấu đỉnh cao.

Cách mà người Đức thành công không thể phủ nhận sự đóng góp của ngoại binh, thậm chí họ chấp nhận cả cầu thủ da màu trong đội hình

Công lớn trong việc này thuộc về những cầu thủ không mang trong mình 100% dòng máu Đức. Trong khi đó phải kể đến Boateng (châu Phi) hay cầu thủ đến từ một đất nước có 3/4 diện tích ở châu Á là Ozil (Thổ Nhỹ Kì). Bộ phận các cầu thủ nhập tịch đóng góp 8/16 bàn thắng tại World Cup (bằng tổng số bàn thắng của đội vô địch Tây Ban Nha).

Nhìn thành công của người Đức hiện tại, không ít khán giả Việt Nam cảm thấy nuối tiếc khi trong đội hình tuyển quốc gia tại các giải đấu lớn ít khi có ngoại binh hay nhiều cầu thủ nhập tịch ra sân. Từ trước tới giờ được ưu ái nhiều nhất chỉ có Mạc Hồng Quân nhưng cá nhân tôi thấy cầu thủ này chuyện ngoài sân cỏ thì nhiều, chứ khả năng thì không nổi bật là bao. Nếu không muốn nói là Hồng Quân thi đấu khá “vô duyên” từ lúc khoác áo đội tuyển tới giờ.

Cầu thủ nhập tịch được ưu ái nhất từ trước tới giờ chắc chỉ có Mạc Hồng Quân. Nhưng người ta biết đến anh từ những lùm xùm ngoài sân cỏ hơn là thành công trong sự nghiệp quần đùi áo số

Không thể phủ nhận một số bộ phận không nhỏ cầu thủ ngoại khi nhập tịch có khát khao cống hiến cho đội tuyển. Nhất là khi có người đã lấy vợ, sinh con và định cư ở Việt Nam. Họ cũng không có cơ hội được khoác áo tại tuyển quốc gia gốc của mình nên luôn khát khao thể hiện.

Khi HLV Toshiya Miura quyết định gọi bổ sung trung vệ Đặng Văn Robert cho tuyển Việt Nam, ông đã nhận được rất nhiều lời khen, nhằm khích lệ những người có trách nhiệm với bóng đá Việt Nam cần tận dụng nguồn nhân lực.

Đặng Văn Robert (trái) được gọi lên tuyển nhưng nhiều người cho rằng đó là sự việc bất đắc dĩ

Thực ra, nếu không có vụ Quế Ngọc Hải, rồi vụ Thanh Hào và Văn Biển không thể thi đấu cho ĐTQG thì Đặng Văn Robert chưa chắc được gọi.

Trước đây, bóng đá Việt Nam cũng đã từng chứng kiến những cầu thủ nhập tịch trong màu áo đội tuyển Việt Nam như: Phan Văn Santos, Huỳnh Kesley, Đinh Hoàng La, Đinh Hoàng Max. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn thì tất cả đều mất hút một cách khó hiểu. Họ không “mặn” với ĐTQG hay ĐTQG không “mặn” với họ thì chỉ có người “trong cuộc” mới hiểu.

Huỳnh Kesley từng khoác áo ĐTQG ở trận giao hữu với Kuwait năm 2009

Bài toán đội tuyển Việt Nam chưa giải được không phải là việc cho phép hay không cho phép ngoại binh được thi đấu cho ĐTQG. Bởi nếu chúng ta cho họ nhập tịch mà không chịu “mở cửa” thì nhập tịch làm gì? Và nếu còn những chuyện “trăn trở” như thế thì việc vụt mất người tài khi họ sang nước khác thi đấu là điều khó tránh khỏi.

Bình luận (0)

Thống kê
Lên đầu trang