Wenger chưa đủ trình trở thành 'Bố già'

Chủ Nhật, 09/10/2016 00:15  | Đức Thiện

|

(CAO) Những ai yêu mến các tác phẩm văn học kinh điển sẽ không thể bỏ qua “Bố già” của nhà văn Mario Puzo. Nhân vật chính của tác phẩm có một vài nét có thể dùng để so sánh với vị thuyền trưởng của CLB Arsenal, ông Arsene Wenger.

Nhưng đây là những sự so sánh nghịch. Vito Corleone được phát họa là một ông trùm Mafia nổi danh nhất không chỉ ở New York mà còn ở khắp nước Mỹ. Câu chuyện về Vito có rất nhiều điều để nói đến, song ông có một điểm đặc trưng khiến cho các độc giả mỗi khi nhắc đến ông đều phải nhớ đến hình ảnh này.

Ông Arsene Wenger nổi tiếng là người hay kì kèo trong các thương vụ chuyển nhượng - Ảnh: Getty Image

Mỗi khi bàn chuyện làm ăn, với những chuyện quan trọng, Vito Corleone luôn chọn giải pháp “nói chuyện cho phải quấy”. Từ cái cách mà Mario Puzo xây dựng hình tượng của ông trùm Mafia thì người đọc có thể rút ra công thức “nói chuyện phải quấy của ông”: Cái gì không giải quyết được bằng tiền thì phải giải quyết được bằng nhiều tiền, bằng không thì phải dùng bạo lực. Câu nói cửa miệng “Cho hắn một lời đề nghị không thể chối từ” của Bố già là sự đúc kết sâu xa cho công thức đó.

Arsene Wenger không phải là một ông trùm Mafia, ông chỉ là một huấn luyện viên bóng đá. Ông cũng không có thế lực hùng mạnh để chi phối cả một đất nước, hoặc ít nhất là chỉ trong làng bóng đá. Vì vậy mà Wenger không thể làm ăn bằng phương pháp bạo lực.

Nhưng tiền bạc thì hoàn toàn có thể. Rất nhiều năm qua Arsenal nổi tiếng là một đội bóng “keo kiệt”. Điều đó không đồng nghĩa với việc họ là một đội bóng nghèo. Thực lực tài chính của Arsenal có thể không đủ để làm khuynh đảo thị trường chuyển nhượng nhưng không đồng nghĩa là họ không có khả năng chi tiêu cho những bản hợp đồng chất lượng.

Trên thực tế, Arsenal mới là đội bóng có sự cân bằng tài chính cao nhất thế giới tính đến tháng 3 năm nay. Theo Swiss Ramble, một trang web uy tín chuyên viết về kinh doanh trong bóng đá, cân bằng tài chính (số tiền CLB sở hữu sau khi trừ đi các khoản chi và nợ) của Arsenal lên đến 159 triệu Bảng. Con số này bỏ xa nhiều đại gia khác trên thế giới như Real Madrid (84 triệu Bảng), Bayern Munich (78 triệu Bảng), Barcelona (58 triệu Bảng)…

Con số đó cho thấy Arsenal có đủ thế mạnh tài chính. Song, Arsenal tuy có tiền, nhưng lại không hề có quyền lực, bắt nguồn từ những động thái yếu ớt, thiếu quyết đoán của mình.

Shkodran Mustafi (trái) cập bến sân Emirates trong những ngày cuối cùng của kỳ chuyển nhượng mùa hè. Trước đó, thương vụ này tưởng chừng như thất bại vì sự chậm chạp từ phía Arsenal - Ảnh: EPA

Trước khi kỳ chuyển nhượng mùa hè năm nay khép lại, ông Wenger cũng kịp hoàn tất hai bản hợp đồng chất lượng với Shkodran Mustafi (35 triệu Bảng) và Lucas Perez (17 triệu Bảng). Tuy nhiên nếu nhìn vào cả một mùa hè, có thể nói một lần nữa đội bóng thành London có một mùa mua sắm thất bại.

Ngay từ những ngày đầu tiên của kỳ chuyển nhượng, Arsenal nhắm tiền đạo Jamie Vardy của Leicester City. Mọi chuyện tưởng chừng suôn sẻ khi mức phí Leicester đưa khá “mềm”, chỉ 20 triệu Bảng. Vậy mà trong nhiều tuần, sự chần chừ, kì kèo của ông Wenger khiến cho ngôi sao của “Bầy cáo” nổi quạu, nên anh quyết định tiếp tục gắn bó với CLB cũ.

Cũng chính sự thiếu quyết đoán của ông Wenger mà không ít cầu thủ cảm thấy mình không được tôn trọng, vì vậy không có lý do gì để chuyển đến Arsenal. Chính trường hợp của Mustafi là minh chứng dễ thấy nhất. Valencia hoàn toàn chấp nhận để Mustafi ra đi và con số 35 triệu mà họ đưa ra là hoàn toàn hợp lí với tài năng của trung vệ này.

Vậy mà Arsenal phải mất nhiều tuần lễ và có khi tưởng chừng lại thất bại khi có tin đồn Valencia không còn muốn bán Mustafi vì sự chậm chạp từ phía đội bóng nước Anh. Đến mức trong bối cảnh hàng phòng ngự đang bị xé nát vì chấn thương, đã có lúc ông Wenger phải chuyển hướng sang một mục tiêu kém chất lượng hơn nhiều là Johnny Evans.

Có lẽ ông Wenger nên đọc “Bố già” để tìm hiểu nghệ thuật “nói chuyện cho phải quấy” của Corleone. Việc đầu tư mua sắm cầu thủ có thể không phải là cách tối ưu nhất cho con đường chinh phục danh hiệu, nhưng nó luôn phải được ưu tiên nhằm đảm bảo được chiều sâu và chất lượng đội hình. Ông Wenger có thể là một vị “cha già” được kính yêu ở Arsenal, nhưng để được xem là một “Bố già” như Corleone thì thật là khó.

Bình luận (0)

Thống kê
Lên đầu trang